Nâng cao năng lực cạnh tranh và mức độ ổn định của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ đem lại cơ hội mà còn tạo ra không ít thách thức mà hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam phải đối mặt, như: đảm bảo mức độ ổn định tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh với các ngân hàng khối ngoại, nâng cao năng lực quản trị điều hành và phát triển bền vững… Bài viết phân tích tổng thể bức tranh năng lực cạnh tranh và mức độ ổn định của hệ thống NHTM Việt Nam trong hội nhập, từ đó đề xuất các giải pháp có tính thực tiễn cao, nâng cao vị thế của hệ thống NHTM Việt Nam trên trường quốc tế.

Tin tức SHN

|

Summary

International economic integration not only brings opportunities but also creates many challenges that Vietnam’s commercial banking system face, such as: ensuring financial stability, improving the competitiveness against the foreign banks, improving governance capacity and sustainable development… The article analyzes the overall picture of the competitiveness and stability of Vietnam’s commercial banking system in the global integration process, thereby proposing practical solutions, enhancing the position of Vietnam’s commercial banking system in the international market.

Keywords: economic integration, competitiveness, commercial banks, stability

ĐẶT VẤN ĐỀ

Hội nhập kinh tế quốc tế theo xu thế tự do hóa tài chính được coi là hướng đi thích hợp trong bối cảnh hiện nay và được nhiều quốc gia lựa chọn. Việt Nam trong xu thế chung, đã không ngừng thúc đẩy việc tiến hành tự do hóa tài chính thông qua mở rộng quy mô và thị trường hợp tác thương mại quốc tế. Tuy nhiên, việc tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế cùng với những cơ hội được mở ra, thì cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho lĩnh vực tài chính ngân hàng. Áp lực cạnh tranh gay gắt giữa các NHTM trong nước và ngân hàng quốc tế ngày một gia tăng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết năm 2022, tại Việt Nam có 12 ngân hàng 100% vốn nước ngoài với tổng tài sản đạt 2.071.475 tỷ đồng, tăng 6,34% so với năm 2020. Theo đó, các NHTM trong nước phải đối mặt với nguy cơ sáp nhập hoặc bị mua lại từ phía các ngân hàng nước ngoài nếu kinh doanh không hiệu quả. Viễn cảnh này cũng đã từng xảy ra đối với các doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực sản xuất và thương mại. Điều này vô hình chung tạo ra sức ép đối với các NHTM Việt Nam và buộc các ngân hàng này nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển. Do vậy, đánh giá toàn cảnh về bức tranh năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam trong bối cảnh hội nhập hiện nay vừa mang tính cấp bách và vừa có giá trị thực tiễn cao.

THỰC TRẠNG NĂNG LỰC CẠNH TRANH VÀ MỨC ĐỘ ỔN ĐỊNH NỘI TẠI CỦA HỆ THỐNG NHTM VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP

Năng lực cạnh tranh và mức độ ổn định nội tại của hệ thống NHTM Việt Nam được biểu hiện thông qua một số chỉ tiêu tài chính và phi tài chính như sau:

Tỷ lệ an toàn vốn và khả năng thanh khoản

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đồng nghĩa với việc xóa bỏ những ưu đãi tiến tới cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng trên bình diện quốc tế. Năng lực tài chính là yếu tố cực kỳ quan trọng đánh giá mức độ tự chủ và khả năng cạnh tranh của mỗi ngân hàng. Năng lực tài chính của ngân hàng còn là căn cứ để xác định các tỷ lệ an toàn. Với ý nghĩa đó, để tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế, vốn của các ngân hàng nội địa phải đảm bảo tỷ lệ an toàn cao hơn tỷ lệ tối thiểu. Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của NHNN đến cuối năm 2022, tổng số vốn tự có của các NHTM áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Thông tư 41) là 422.786 tỷ đồng, tăng 15,23% so với đầu năm. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt ở mức 9,04%. Trong khi đó, tổng số vốn tự có của các NHTM cổ phần đã áp dụng Thông tư 41 là 722.854 tỷ đồng, tăng 18,52% so với đầu năm (Bảng 1). Tỷ lệ an toàn vốn của khối ngân hàng này cao hơn khá nhiều so với các NHTM nhà nước, đạt 12,29%. Theo đó, các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam cũng có tỷ lệ an toàn vốn với con số khá ấn tượng, đạt 18,61% tính theo Thông tư 41 vào cuối năm 2022.

Bảng 1: Vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống NHTM tại Việt Nam

theo Thông tư 41/2016/TT- NHNN

Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê của NHNN (2022) 

Nhìn chung, hệ số CAR được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây và dần tiệm cận với những tiêu chuẩn của Basel III, tạo ra tấm đệm vững chắc cho việc tăng trưởng tín dụng trong tương lai. Trong hệ thống NHTM Việt Nam, hiện có hơn 20 ngân hàng đã áp dụng tiêu chuẩn Basel II, trong đó có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột. Một số ít ngân hàng đã bắt đầu chuyển sang đáp ứng những tiêu chuẩn của Basel III. Những động thái này sẽ giúp các ngân hàng quản trị rủi ro và an toàn vốn hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia trong khu vực ASEAN thì tỷ lệ CAR trung bình của hệ thống NHTM Việt Nam thấp hơn nhiều so với ngân hàng trong khu vực. Tỷ lệ này bình quân của Indonesia là 22,6%, của Philippines là 17,2%, của Singapore là 17,1%, Thái Lan 19,6%, Malaysia 18,5%. Thêm vào đó, tỷ lệ CAR của các ngân hàng quốc doanh chỉ cao hơn mức tối thiểu một chút và thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân và ngân hàng nước ngoài.

Bảng 2: So sánh hệ số CAR của Việt Nam với một số quốc gia trong khu vực


Tỷ lệ an toàn vốn CAR của các ngân hàng Việt Nam được cải thiện nhưng vẫn chậm và ở mức thấp so với các ngân hàng trong khu vực. Điều này tạo ra rào cản đảm bảo mức độ ổn định tài chính và gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường của các NHTM trong nước. Trong khi đó, các NHTM trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III, các NHTM Việt Nam mới đang trong giai đoạn triển khai Basel II. Chính vì vậy, các NHTM Việt Nam cần một bước tiến dài và nhanh hơn nữa để bắt kịp xu hướng, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh với ngân hàng khối ngoại đang chiếm lĩnh thị phần ngày càng gia tăng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thanh khoản của toàn ngành ngân hàng có chiều hướng đi xuống tại thời điểm cuối năm 2021. Tỷ lệ thanh toán của tài sản giảm từ 22,83% xuống chỉ còn 12,12%, chủ yếu là do lượng tài sản thanh khoản của các ngân hàng đã giảm khoảng 35% so với thời điểm cuối năm 2020. Tổng tiền gửi năm 2021 đã tăng hơn 22% so với năm 2020, trong khi tổng dư nợ cho vay đạt gần 24%, do đó, chỉ số về dư nợ và tiền gửi gần như tương đương vào cuối năm 2020. Trong khi đó, dư nợ trung và dài hạn chỉ tăng ở mức gần 8,3%, một phần do các NHTM siết chặt hơn các chính sách về cho vay cũng như nhu cầu vay dài hạn để đầu tư cho xây dựng và mở rộng sản xuất đã suy giảm khá nhiều sau thời gian giãn cách kéo dài bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, xét trên tổng thể toàn ngành ngân hàng, các chỉ số về thanh khoản vẫn đang ở mức cho phép và không tiềm tàng quá nhiều nguy cơ rủi ro.

Thị phần và chất lượng tín dụng

Trong 5 năm trở lại đây, thị phần tín dụng của hệ thống NHTM Việt Nam có sự phân chia rõ rệt, trong đó thị phần cho vay của khối NHTM nhà nước vẫn chiếm chủ yếu là 51,8%, nhóm NHTM cổ phần là 41,3% và NHTM nước ngoài là 6,9%. Trong giai đoạn từ năm 2016-2020, tỷ lệ nợ xấu (NPL) và tỷ lệ nợ nhóm 2 có xu hướng giảm. Việc tích cực giảm tỷ lệ nợ xấu hàng năm cho thấy, chất lượng tài sản của ngân hàng có sự cải thiện qua từng năm. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, dưới áp lực của nền kinh tế cũng như diễn biến dịch bệnh phức tạp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng trở lại (từ 1,4% năm 2020 tăng lên 1,62% năm 2021), nhưng các tỷ lệ vẫn được giữ ở trong ngưỡng an toàn. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu có sự tăng trưởng mạnh qua các năm (Hình).

Hình: Tỷ lệ nợ xấu và nợ bao phủ của hệ thống NHTM Việt Nam


Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê của NHNN (2022)

Theo số liệu của IMF (2022), hiện nay tỷ lệ nợ xấu và tỷ lệ nợ bao phủ của các NHTM Việt Nam vẫn cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực (Bảng 3).

Bảng 3. So sánh tỷ lệ nợ xấu và nợ bao phủ của Việt Nam

với một số quốc gia trong khu vực

Nhìn chung, tỷ lệ nợ xấu và nợ bao phủ của Việt Nam vẫn cao hơn tương đối so với Singapore và Indonesia, nhưng thấp hơn một số quốc gia như Thái Lan hay Philippines. Điều này có được là do những nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề xử lý nợ xấu của nền kinh tế. Trong thời gian qua, tại Việt Nam, mặc dù VAMC đã đồng hành cùng các tổ chức tín dụng và các công ty Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản NHTM (Asset Management Company – AMC) khác, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành Ngân hàng về dưới 3%, tuy nhiên đây vẫn chỉ là biện pháp làm sạch bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng, trong khi con số nợ chưa xử lý ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng. Trên thực tế, thị trường mua bán nợ Việt Nam còn chưa hoàn thiện, các công cụ xử lý nợ vẫn còn thô sơ và quá trình xử lý các khoản nợ tồn đọng trong nhiều năm qua còn gặp nhiều khó khăn.

Chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời

Tỷ lệ NIM toàn ngành duy trì quanh mức 3%-3,3% trong giai đoạn 2016-2020. Trong 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dại dịch Covid-19, nhưng tỷ lệ NIM trung bình của hệ thống NHTM vẫn duy trì ở mức 3,34%, chỉ giảm nhẹ so với năm 2019 (3,37%). Năm 2020, trong 27 ngân hàng, có 12 ngân hàng có tỷ lệ NIM đạt trên trung bình toàn ngành (3,3%). Tỷ lệ này tương đối cao so với một số NHTM trong khu vực như Trung Quốc (2,1%), Malaysia (1,8%) và Singapore (1,6%) nhưng lại thấp hơn một số quốc gia như Indonesia (5,2%) hay Philippines (4,2%).

Bên cạnh đó, khả năng sinh lời của các ngân hàng còn được thể hiện qua một số chỉ số khác bao gồm: tỷ suất sinh lời của vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA). Trong năm 2021, theo báo cáo của NHNN, chỉ tiêu ROA và ROE của hệ thống NHTM Việt Nam đạt trung bình lần lượt là 1,09% và 12,61%. Trong đó, các NHTM nhà nước có tỷ lệ ROA và ROE lần lượt là 0,85% và 14,81%, các NHTM cổ phần là 1,36% và 14,42%, cuối cùng khối các ngân hàng nước ngoài là 0,85% và 5,94%. Theo thông lệ quốc tế, chỉ số ROA > 0,5% được xem là chấp nhận được, tuy nhiên ROA > 1% sẽ là mức lý tưởng hơn (bình quân 1,1% ở các nước báo cáo FSIs), trong khi chỉ số ROE có thể dao động ở mức 10%-20% là phù hợp (bình quân 10,8% ở các nước báo cáo FSIs, trong đó 14,6% ở nhóm G20). Nhìn chung, các chỉ tiêu này của hệ thống NHTM Việt Nam đều nằm trong tiêu chuẩn chung, song nếu xem xét chi tiết có thể thấy chỉ tiêu ROA của nhóm các NHTM nhà nước thấp hơn so với các NHTM cổ phần và hiện đang tương đương với nhóm ngân hàng nước ngoài. Điều đó cho thấy, mặc dù tổng tài sản của nhóm NHTM nhà nước là cao nhất, song hiệu quả khai thác tài sản của nhóm này thấp hơn các NHTM cổ phần và ngân hàng nước ngoài.

Trình độ công nghệ và nguồn nhân lực ngân hàng

Trong thời gian gần đây, các NHTM Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quá trình thực hiện chiến lược ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Tuy quá trình này ở Việt Nam chỉ ở giai đoạn đầu, song về cơ bản hệ thống NHTM đã có những nỗ lực và hành động cụ thể nhằm từng bước đạt được các cấp độ chuyển đổi số. Số liệu thống kê của NHNN (2022), hiện nay có đến 95% tổ chức tín dụng đã, đang hoặc dự tính sẽ xây dựng chiến lược chuyển đổi số; có 39% tổ chức tín dụng phê duyệt chiến lược chuyển đổi số riêng biệt hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển công nghệ thông tin; 42% các tổ chức tín dụng đang hoàn thiện chiến lược chuyển đổi số [1]. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của hệ thống NHTM Việt Nam gặp không ít thách thức từ hệ thống chính sách; hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư; khả năng quản trị rủi ro trong ứng dụng ngân hàng số… Nếu các thách thức này không được tháo gỡ một cách kịp thời sẽ trở thành rào cản trong việc gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường của khối NHTM nội địa.

Đối với nguồn nhân lực, trong thời gian qua, các NHTM Việt Nam đã sử dụng nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua nâng cao chất lượng tuyển dụng đầu vào, áp dụng chính sách ưu đã thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao hay chú trọng công tác đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên hiện có. Nhờ vậy mà chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập và sự chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng kỹ năng về công nghệ và khả năng tiếp cận thị trường quốc tế còn thiếu. Nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao còn ít so với nhu cầu ngày càng cao của ngành, đặc biệt với đội ngũ chuyên gia làm công tác an ninh thông tin.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để nâng cao năng lực cạnh tranh và mức độ ổn định hệ thống ngân hàng cần tập trung thực thi một số nhóm giải pháp sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục xử lý nợ xấu của các NHTM. Nợ xấu không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh cũng như mức độ ổn định của hệ thống NHTM Việt Nam, mà còn ảnh hưởng đến các chủ thể trong nền kinh tế. Do đó, giải quyết nợ xấu không chỉ là việc làm riêng của NHNN và hệ thống NHTM, mà cần có sự tham gia của toàn bộ các cơ quan quản lý nhà nước đồng hành cùng hệ thống doanh nghiệp nói chung. Để xử lý nợ xấu trong hệ thống NHTM Việt Nam, cần có các giải pháp đồng bộ từ nhiều bên liên quan như: (i) Bản thân mỗi NHTM cần chủ động tăng mức trích lập dự phòng các khoản nợ xấu trong điều kiện cho phép và phù hợp với tình hình thực tế của chính ngân hàng đó, có thể chấp nhận giảm lợi nhuận; (ii) Chính phủ cần cho phép một số ngân hàng trong nước hoặc ngân hàng nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, quản trị doanh nghiệp tốt mua lại những ngân hàng yếu kém trên cơ sở có sự hỗ trợ và kiểm soát từ phía NHNN; (iii) Giảm hoặc miễn các loại thuế (thuế GTGT, thuế Thu nhập doanh nghiệp…), các thủ tục không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động mua bán nợ nhằm thúc đẩy sự hình thành và phát triển của thị trường mua bán nợ hoạt động hiệu quả hơn.

Thứ hai, gia tăng vốn tự có của các NHTM Việt Nam. Đảm bảo an toàn vốn tự có là một trong ba trụ cột có vai trò quan trọng trong đảm bảo sự an toàn và hoạt động lành mạnh của hệ thống NHTM. Chính vì lẽ đó, việc tái cấu trúc vốn tự có là một cấu phần quan trọng của quá trình tái cấu trúc hệ thống NHTM Việt Nam. Việc gia tăng vốn tự có theo đó trở thành một vấn đề cần triển khai trong thời gian tới tại các NHTM Việt Nam thông qua thực thi các giải pháp đồng bộ từ phía cơ quan quản lý nhà nước và hệ thống ngân hàng, gồm: (i) Cho phép các NHTM được chủ động cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm tiếp theo; (ii) Tạo hành lang pháp lý cho các NHTM triển khai phương án phát hành cổ phiếu ra công chúng; (iii) NHTM tăng cường năng lực quản trị rủi ro nhằm giảm chi phí dự phòng, từ đó giúp ngân hàng bảo toàn quy mô vốn tự có; (iv) Hệ thống NHTM cần nỗ lực trong việc thu hút nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước nhằm tận dụng khả năng mở rộng quy mô vốn, tiếp cận năng lực quản trị và công nghệ hiện đại trong quản lý hoạt động ngân hàng.

Thứ ba, xây dựng chiến lược cạnh tranh hiệu quả. Muốn tạo ra chiến lược cạnh tranh hiệu quả, ngân hàng cần tận dụng được lợi thế về nguồn lực mình đang có nhằm tiết kiệm chi phí, tạo ra sản phẩm dịch vụ đảm bảo chất lượng và sự phù hợp về giá so với các đối thủ cạnh tranh. Hội nhập sẽ dẫn đến sự tham gia mạnh mẽ của nhiều ngân hàng nước ngoài nhưng nếu các NHTM trong nước biết cách hợp tác với các đối tác tiềm năng này sẽ có cơ hội tận dụng khai thác các thế mạnh của họ về công nghệ, trình độ quản trị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, sự phát triển của công nghệ ngân hàng còn là chìa khóa giúp các ngân hàng không những tạo ra sản phẩm dịch vụ tiên tiến, mà còn giảm bớt chi phí hoạt động, gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và hướng ngân hàng tiến tới sự phát triển bền vững.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện các giải pháp ứng phó kịp thời với những biến động của nền kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước. Sự ứng phó trước những cú sốc từ nền kinh tế vĩ mô không chỉ đòi hỏi bản thân các NHTM Việt Nam phải tự nâng cao năng lực quản trị điều hành, duy trì một tỷ lệ vốn tự có hợp lý để chống đỡ rủi ro mà cần có sự tham gia quản lý điều tiết chính sách từ phía các cơ quan quản lý nhà nước nhằm bình ổn thị trường tiền tệ, kiểm soát các biến số kinh tế vĩ mô… tạo môi trường kinh doanh ổn định cho các NHTM.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản trị và phát triển nguồn nhân lực. Các NHTM Việt Nam cần dần tiến tới xây dựng năng lực quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hướng tới sự tinh gọn và hiệu quả. Trước hết, cần hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy từ Hội sở đến các chi nhánh, tập trung phát triển kênh phân phối điện tử, giảm thiểu chi nhánh hữu hình. Bên cạnh đó, cần tập trung tới yếu tố con người, bởi trong sự cạnh tranh có thể bắt chước công nghệ, sản phẩm dịch vụ, nhưng yếu tố con người khó có thể bắt chước. Do đó, các NHTM cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực đủ về lượng, nhưng đảm bảo về chất. Có chế độ đãi ngộ và tạo môi trường làm việc tốt nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu trong quá trình hội nhập và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng hiện có tại ngân hàng./.

TS. Nguyễn Thị Thu Hà – Học viện Hành chính Quốc gia

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 22, tháng 8/2023)

Nguồn: https://kinhtevadubao.vn/nang-cao-nang-luc-canh-tranh-va-muc-do-on-dinh-cua-he-thong-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-trong-boi-canh-hoi-nhap-kinh-te-quoc-te-28357.html

Bài viết cùng chuyên mục

Tin - 20/08/2024

Báo cáo BCTC kiểm toán 6 tháng đầu năm 2024

32.2024.CBTT.SHN 20.08.2024 Công bố thông tin báo cáo tài chính 33.2024.CBTT.SHN 20.08.2024 Giải trình chênh lệch lợi nhuận sau thuế...

Xem thêm
Tin - 20/08/2024

Thông báo về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty

2024.08.13 NQ số 19.2024-NQ-HĐQT về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Người phụ trách quản trị Công ty

Xem thêm
Tin - 14/08/2024

Thông báo về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm người phụ trách quản trị công ty

2024.08.13 NQ số 19.2024-NQ-HĐQT về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm Người phụ trách quản trị Công ty - click chọn...

Xem thêm