WB dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,3%

Trong báo cáo “Điểm lại” vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, kinh tế Việt Nam được đánh giá có chuyển biến tích cực trong nửa đầu năm 2017. Tăng trưởng giai đoạn này ước tính vào khoảng 5,7%.

Dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tiếp tục phục hồi trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, dịch vụ đóng góp hơn 40% GDP, nhờ tiêu dùng trong nước và ngành du lịch.

Trong trung hạn, triển vọng kinh tế cũng được nhận định khá sáng sủa. GDP dự báo tăng 6,3% năm nay, nhờ sức cầu nội địa tăng, nông nghiệp hồi phục và ngành sản xuất định hướng xuất khẩu tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ này vẫn thấp hơn so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đang phấn đấu thực hiện.

Áp lực lạm phát được đánh giá vừa phải. Trong đó, lạm phát cơ bản ổn định nhờ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng được dự báo vẫn ở mức thấp. Thặng dư tài khoản vãng lai sẽ vẫn tiếp tục, nhưng ở mức thấp hơn khi nhập khẩu đang tăng.

Năm 2018 và 2019, GDP Việt Nam được WB dự báo nhích lên 6,4%. Tình hình vĩ mô nhìn chung ổn định.

Kinh tế Việt Nam vẫn đang thể hiện sức dẻo dai nhờ ưu thế của các yếu tố căn bản đảm bảo tăng trưởng, gồm sức cầu trong nước và ngành sản xuất chế tạo chế biến”, ông Sebastian Eckardt – Quyền giám đốc Quốc gia của WB tại Việt Nam nhận xét, “Đà tăng trưởng vẫn được duy trì là yếu tố thuận lợi để Việt Nam xử lý các trở ngại có tính cơ cấu cho tăng trưởng trong trung hạn, đồng thời tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và gây dựng lại bộ đệm chính sách”.

Dù vậy, nền kinh tế thời gian tới sẽ vẫn chịu nhiều thách thức. Trên thế giới, xu hướng tăng lãi suất đang diễn ra, có thể khiến điều kiện huy động vốn bị thắt chặt. Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu cũng đang chững lại khi chủ nghĩa bảo hộ gia tăng. Còn trong nước, các rào cản trung hạn là tín dụng tăng nhanh, nợ xấu chưa giải quyết triệt để, bội chi ngân sách lớn và tăng trưởng năng suất chậm lại.

WB nhấn mạnh Việt Nam cần tập trung cải thiện chất lượng tăng trưởng và củng cố sự linh hoạt của nền kinh tế. Vì thế, Chính phủ nên tiếp tục ổn định vĩ mô, giảm bội chi ngân sách, hạn chế tăng trưởng tín dụng quá nhanh và tìm cách thúc đẩy tăng trưởng năng suất. Những rào cản đối với tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế cũng sẽ được loại bỏ qua quá trình cải cách cơ cấu.

Theo VNE.

Thủ tướng: Thành công của doanh nghiệp là thành công của nền kinh tế

 

“Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy”

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam là một sự kiện quốc tế quan trọng, với chủ đề “Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy” sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Tham gia Hội nghị có lãnh đạo các bộ ngành, địa phương Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế uy tín, các học giả cùng hàng trăm lãnh đạo doanh nghiệp khu vực châu Á – Thái Bình Dương và quốc tế.

Hội nghị là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về chính sách kinh tế và phát triển ngành, tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam; là dịp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng gặp gỡ, kết nối và chia sẻ thông tin về xu thế thương mại và hội nhập quốc tế cũng như kinh nghiệm hợp tác tại Việt Nam và khu vực APEC.

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có các phiên chuyên đề: Nông nghiệp Thông minh, Dịch vụ Tài chính, Y tế & Giáo dục, Kết cấu Hạ tầng, Du lịch và Đặc khu Kinh tế, Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Song song với Hội nghị này sẽ là Triển lãm “Việt Nam – Đối tác Kinh doanh Tin cậy và Giàu Tiềm năng”, nhằm giới thiệu về địa phương, các dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế đa dạng trên các ngành nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… của các tỉnh thành/địa phương. Hội nghị trưng bày các thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam.

Trong thông điệp chào mừng Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị với sự tham gia của các lãnh đạo cơ quan Chính phủ, các địa phương, các tổ chức quốc tế, đông đảo doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ mang đến tầm nhìn chân thực, toàn diện về nền kinh tế, các chính sách phát triển của Việt Nam. Hội nghị sẽ mở ra nhiều cơ hội kết nối về đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam – một quốc gia với nhiều tiềm năng phát triển to lớn, đang cải cách và mở cửa mạnh mẽ.

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam diễn ra trong ngày thứ 2 của Tuần lễ cấp cao APEC

Lãnh đạo Chính phủ khẳng định, Việt Nam đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, lấy sự hài lòng của người dân, thành công của doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của mình. Việt Nam đang tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế, phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

“Trong sự lan tỏa mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0, Chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, khởi nghiệp, sáng tạo. Chúng tôi tin tưởng rằng, sự thành công của các doanh nghiệp cũng chính là sự thành công của mỗi nền kinh tế và sự thành công của mỗi nền kinh tế thành viên sẽ góp phần tạo nên sự thịnh vượng của cộng đồng APEC chúng ta” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Lãnh đạo các nền kinh tế APEC sắp nhóm họp

Hôm nay, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn – Chủ tịch SOM APEC – Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp APEC (CSOM), sẽ diễn ra ngày làm việc thứ 2 và cũng là cuối cùng trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC.

Hội nghị có mục tiêu đánh giá các kết quả đạt được trong hơn 11 tháng triển khai các hoạt động của Năm APEC 2017 và hoàn tất công tác chuẩn bị về mọi mặt, như: Chương trình nghị sự, nội dung văn kiện và các vấn đề liên quan của Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 29 và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Trong ngày 7/11, Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp sẽ diễn ra ngày làm việc cuối cùng. Đây là Hội nghị tiền đề để chuẩn bị cho phiên họp của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC sắp diễn ra

Trong ngày làm việc đầu tiên, các quan chức cao cấp đã tổng kết các kết quả hợp tác của các ủy ban, nhóm công tác nhằm cụ thể hóa chủ đề Năm APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 ưu tiên hợp tác.

Cụ thể: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; và Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, trong tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang phục hồi vững chắc hơn, các nền kinh tế thành viên đều nỗ lực để đạt nhiều kết quả quan trọng, giữ đà hợp tác và đạt đồng thuận trên nhiều vấn đề, góp phần triển khai chủ đề và 4 ưu tiên hợp tác của năm 2017, cũng như các chương trình, kế hoạch hợp tác dài hạn mà APEC đang triển khai.

Theo Dantri