Tỷ giá USD/VND và đột phá lịch sử 2017

Năm 2016, vào kỳ cao điểm, tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài từng dự báo khi trao đổi với VnEconomy: tỷ giá USD/VND và hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ sớm làm quen với những giao dịch lô lớn cỡ 500 triệu USD, thậm chí lớn hơn nữa và tần suất dày hơn nữa.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chủ động cân đối sức hấp thụ của hệ thống và đặc biệt “phòng ngừa” phản ứng của tỷ giá USD/VND. Chủ động, vì lịch sử từng nhiều lần cho thấy sự mong manh. Khi xuất hiện giao dịch cỡ vài trăm triệu USD, tỷ giá và các chủ thể trên thị trường, ngay cả tâm lý dân cư sau đó cũng đã có thể chộn rộn. Nhưng nay, 2017 đã cho thấy khác biệt lớn.

Xử êm hơn chục tỷ USD

Quy mô 500 triệu USD như trên trở nên khiêm tốn trong một số giao dịch xuất hiện năm 2017. Các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng vừa chứng kiến những con số lớn hơn nhiều lần chỉ trong một ngày giao dịch. Lãnh đạo phụ trách kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng lớn cho VnEconomy biết, đến cuối tuần qua, với loạt giao dịch rất lớn, chưa từng có trong lịch sử, quy mô nguồn lực dự trữ ngoại hối Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước nâng cao kỷ lục, mà cá nhân ông quan sát và ước tính có thể đã vượt xa mốc 50 tỷ USD.

“Quả thực nhiều năm trong ngành, và cả trong tương lai, hiếm khi chúng ta được chứng kiến dòng chảy lớn đến như vậy, hàng tỷ USD chỉ trong một ngày. Ngân hàng Nhà nước mua êm, thị trường ổn định”, vị lãnh đạo trên nói. Êm, vì như “phản ứng tự nhiên”, bao năm qua cứ mỗi khi thị trường xuất hiện nhu cầu hoặc giao dịch ngoại tệ lớn, tỷ giá USD/VND gần như có phản ứng tức thì, rung lắc, thậm chí châm ngòi cho những đợt biến động. Mà qua mỗi bận như vậy, người dân, doanh nghiệp và cả ngân hàng lại chộn rộn. Nay, hàng loạt giao dịch lớn, ước tính cả năm Ngân hàng Nhà nước mua ròng hơn chục tỷ USD, có những “enter” vài tỷ mà tỷ giá và thị trường không có biểu hiện xao xuyến (tác động của mua ngoại tệ đến các cân đối khác là khía cạnh khác và dài hơi hơn).

Như cách nói của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank khi toạ đàm với nhân viên cuối tuần qua: với lãi suất và tỷ giá, năm 2016 và 2017 các ngân hàng thương mại đã rảnh tay để tập trung làm việc tốt hơn, không phải lo lắng và cả luồn lách với biến động như những năm trước. Tỷ giá USD/VND có một năm êm đềm như 2017, chính doanh nghiệp cũng rảnh tay để tập trung sản xuất kinh doanh, thay vì mất thời gian, chi phí phập phồng với rủi ro tỷ giá.

Câu trả lời trước áp lực

Hàng tỷ USD giao dịch trong ngày vừa qua có bóng dáng những cuộc thoái vốn lớn của Nhà nước, như tại Vinamilk và Sabeco. Nhưng đây chỉ là một cấu phần trong đột phá của dự trữ ngoại hối năm nay.

Đơn cử như tuần qua, “dự cảm” về quy mô gần 5 tỷ USD bắt đầu chuyển đổi từ thương vụ tỷ phú Thái Lan mua cổ phần Sabeco, một số ngân hàng đã chủ động đi trước và bán trước. Chỉ riêng bước đi trước này cũng đã tạo nên “ngày tỷ đô” trong chuỗi mua ròng của Ngân hàng Nhà nước. Tính chung, tổng lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng năm 2017, qua các thông tin cập nhật gần đây, cũng như tham khảo tính toán của một số thành viên lớn trên liên ngân hàng, có thể đạt quanh 12 tỷ USD.

Con số ước tính trên nói lên nhiều điều.

Thứ nhất, nó phản ánh cân đối ngoại tệ của nền kinh tế đã tốt hơn (đặc biệt trong xuất nhập khẩu); phản ánh kết quả thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam mạnh mẽ. 2017 cũng nổi bật ở dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán, qua các cuộc thoái vốn Nhà nước quy mô lớn nói trên, cũng như điển hình ở loạt IPO của một số ngân hàng thương mại, qua giao dịch sôi động trên sàn niêm yết…

Thứ hai, quan trọng hơn ở khía cạnh điều hành chính sách tiền tệ, so sánh tại các thời điểm, cũng như dự kiến cả năm nay, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng sẽ vượt xa mức độ thặng dư của cán cân tổng thể. 2017 là năm thứ hai liên tiếp thể hiện điều này. Nó cho thấy, một lượng lớn ngoại tệ trong dân cư đã được chuyển hóa. Nói cách khác, nguồn lực ngoại tệ găm giữ trong dân cư thay vì huy động và vay mượn nhiều năm trước, đến nay đã tự chuyển hóa, góp phần gia tăng tiềm lực quốc gia qua quy mô đột phá của dự trữ ngoại hối; tương ứng là nguồn vốn VND qua chuyển hóa đi vào tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh… Quá trình chuyển hóa trên từng chịu áp lực lớn và thử thách từ thượng tầng, trong điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Đó là, 2016 và liên tục trong 2017, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần đề cập, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét triển khai huy động ngoại tệ và vàng, để khai thác nguồn lực này trong dân cư. Trên diễn đàn Quốc hội, hay trong dòng chảy thông tin kinh tế tại nhiều thời điểm, yêu cầu đó cũng nhiều lần đặt ra. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà điều hành chính sách tiền tệ vẫn nhất quán con đường đã chọn: chuyển hóa nguồn lực chứ không huy động theo hướng vay mượn.

Đến nay, quy mô dự trữ ngoại hối ước tính đã tạo được bước đột phá lịch sử và dự kiến vượt xa mốc 50 tỷ USD, tỷ giá USD/VND ổn định, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ đã hạn chế, thị trường vàng bốn năm liền không phải chi một đồng ngoại tệ nào nhập vàng về để bình ổn, giá trị đồng tiền Việt Nam củng cố qua lạm phát được kiểm soát ở mức thấp… đang là câu trả lời từ lựa chọn đó.

Theo CafeF

Tiền lương, mức đóng BHXH thay đổi từ 1/1/2018 người lao động cần biết

Cụ thể, 7 thay đổi từ ngày 1/1/2018 như sau:

1.Tăng mức lương tối thiểu vùng

Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.750.000 đồng/tháng).

Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.320.000 đồng/tháng).

Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng (tăng 190.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.900.000 đồng/tháng).

Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.580.000 đồng/tháng).

2. Thêm đối tượng bắt buộc tham gia BHXH

Bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với người lao động làm việc bán thời gian hoặc thời vụ mà có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH.

Quy định trên văn bản là vậy, tuy nhiên, vừa rồi, tại buổi tập huấn về chính sách mới BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH thì có thông báo rằng, từ 1/1/2018, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, chờ đến khi BHXH Việt Nam có hướng dẫn mới.

3. Tăng tiền lương tháng đóng BHXH

Tiền lương tháng đóng BHXH từ ngày 1/1/2018 trở đi bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Khoản tính đóng BHXH Khoản không tính đóng BHXH

1. Mức lương

2. Phụ cấp lương

Là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như:

– Phụ cấp chức vụ, chức danh;

– Phụ cấp trách nhiệm;

– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

– Phụ cấp thâm niên;

– Phụ cấp khu vực;

– Phụ cấp lưu động;

– Phụ cấp thu hút

– Các phụ cấp có tính chất tương tự.

1. Các khoản chế độ và phúc lợi khác:

– Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động,

– Tiền thưởng sáng kiến;

– Tiền ăn giữa ca;

– Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;

– Khoản hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị TNLĐ, BNN và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

4. Kéo dài thời gian tính mức lương hưu hằng tháng

Đối với nam: Mức lương hưu hằng tháng = 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 16 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2018), 17 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2019), 18 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2020), 19 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2021), 20 năm (nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi) + 2% cho mỗi năm.

Đối với nữ: Mức lương hưu hằng tháng = 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm (nếu nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi) + 2% cho mỗi năm.

Mức tối đa = 75%.

5. Sa thải trái pháp luật đối với NLĐ, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc có thể bị phạt đến 3 năm tù.

Cụ thể, sa thải trái pháp luật đối với NLĐ, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm,.

Nếu sa thải trái pháp luật, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc thuộc một trong các trường hợp sau, có thể bị phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với 2 người trở lên; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác

6. Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ có thể bị phạt tù đối với cá nhân, phạt tiền đối với pháp nhân

Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 6 tháng trở lên, đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 đến 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 NLĐ.

Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 200 đến dưới 500 triệu đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định trên.

Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định trên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm.

Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 1 đến 3 tỷ đồng;

7. Vi phạm quy định về sử dụng NLĐ dưới 16 tuổi có thể bị phạt đến 12 năm tù

Người nào sử dụng NLĐ dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 7 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: Làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm./.

Theo CafeF

Cắt 8 điều kiện kinh doanh xây dựng

Đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện do Bộ Xây dựng quản lý, Bộ này đề xuất bãi bỏ: 41,3%; đơn giản hóa 43,7% và chỉ đề xuất giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh hiện hành.

Di chuyển toilet cũng phải xin giấy phép!

Dù đánh giá cao tinh thần cải cách của Bộ Xây dựng nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, dự thảo vẫn còn những điểm cần phải xem xét thận trọng. Bởi vì, chỉ một “chữ” trong Luật thôi cũng tác động rất lớn đến doanh nghiệp. “Ví như về giấy phép xây dựng chẳng hạn. Chỉ riêng việc sửa cái toilet, chuyển toilet từ vị trí nọ sang vị trí kia cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. Cái đó nằm trong đất nhà người ta, không vi phạm đến nhà khác, không vi phạm mặt tiền, mật độ xây dựng vẫn thế, không vi phạm chiều cao thì làm sao phải điều chỉnh giấy phép?”, ông Hiệp nói.

“Trong cùng một dự án, nhưng thủ tục thẩm định PCCC, thẩm định thiết kế, thẩm định về môi trường phải thực hiện ở 3 cơ quan khác nhau. Những bất cập này trong thủ tục hành chính đang làm khó doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí”. Đây là câu chuyện được bà Vũ Đặng Hải Yến, Công ty luật SMIC chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp. Là đại diện pháp lý cho rất nhiều doanh nghiệp, bà Yến đề xuất cần thu về một cửa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo bà Yến, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan. Các cơ quan sau đó phối hợp với nhau và trả lời doanh nghiệp.

Bằng thực tế kinh doanh, ông Hiệp dẫn chứng từ chính dự án của mình. Một dự án trong đó có tới 42 nhà liền kề và có thêm 4 nhà cao 9 tầng. Nhưng theo quy định thì nhà 9 tầng thì phải lên Sở Xây dựng cấp phép, còn nhà thấp tầng thì quận cấp phép. Nhưng khi doanh nghiệp lên Sở thì Sở “chỉ” xuống Quận, về Quận thì Quận “bảo” phải lên Sở. Doanh nghiệp phải loay hoay suốt 3 tháng trời thì mới có thể hoàn thành được giấy phép cho dự án của mình. Đồng thời, người đại diện Hiệp Hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng nên quy định rõ thẩm quyền cấp phép.

Giấy phép sợ “bôi trơn”

Một điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là việc sửa đổi Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng theo hướng: Bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng bao gồm các công trình thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư; một số công trình quy mô nhỏ khác. Theo quan điểm của ông Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc miễn giấy phép cho các công trình này là chưa hợp lý bởi trên thực tế các sự cố xây dựng lại thường hay xảy ra ở nhà thấp tầng, rẻ tiền chứ không phải ở các công trình quy mô lớn.

“Nói rằng nhà hai tầng, nhà đơn giản không cần kiểm tra hay quan tâm lắm về vấn đề chất lượng là không phải. Bây giờ những nhà này mà được miễn giấy phép thì chỉ lợi cho cai thầu, lợi cho dân chứ không lợi cho doanh nghiệp bởi có doanh nghiệp nào lại loanh quanh xây mấy cái nhà hai tầng, rẻ tiền đấy. Giấy phép xây dựng đối với các công trình đó không phải là vô dụng để chúng ta có thể bỏ đi dễ dàng”, ông Liêm nói. Nói thêm về việc cấp giấy phép xây dựng, ông Liêm cho biết hiện nay chúng ta chỉ có quy định cấp giấy phép mà không có quy định kiểm tra việc thực hiện giấy phép.

“Hoàn toàn không có việc kiểm tra nên việc vi phạm giấy phép rất phổ biến. Đáng nói là chỉ khi nào báo chí, người dân phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc còn bình thường cơ quan chức năng không phát hiện ra. Nhất là khi đã “bôi trơn” cấp dưới thì công trình muốn lên mấy tầng thì lên. Tôi nghe ở thành phố nọ, người ta xướng lên một cái giá và cấp phép cho từng ấy, nhưng nếu anh muốn lên 1 tầng thì xin mời anh thêm 25.000 USD. Như ông Mường Thanh, ông ấy vi phạm pháp luật, nhưng tiền bị phạt còn rẻ hơn tiền đi “bôi trơn”. Tôi cho rằng, pháp luật phải ngăn chặn chuyện như vậy”, ông Liêm nhấn mạnh.

Cùng bình luận về vấn đề giấy phép, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cho biết, mỗi hồ sơ quảng cáo, tính cả giấy phép của Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT-&DL thì lên tới 20 giấy phép. Quảng cáo ngoài trời rất bế tắc do Luật đất đai, xây dựng và quy hoạch quảng cáo. Nếu xét ra thì tất cả các công trình quảng cáo ngoài trời đều vi phạm pháp luật. Nhưng người ta phải làm chui, kể cả bị xử phạt, thậm chí là tháo dỡ nhưng vẫn phải làm. Các TP lớn không có quy hoạch quảng cáo nhưng cứ bắt doanh nghiệp dừng quảng cáo.

Theo CafeF