Thuốc thử IPO nặng đô kế tiếp cho TTCK

NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỘNG HƯỞNG TỪ ĐỢT IPO KHỦNG TRƯỚC ĐÓ TẠO NÊN LO NGẠI CHO ĐỢT IPO GẦN 2.500 TỶ SẮP TỚI ĐÂY.
Ngay từ đầu năm 2018, thị trường chứng khoán (TTCK) đã bị ảnh hưởng từ liều thuốc thử IPO tỷ đô của 5 ông lớn gồm Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil); Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) và Tổng công ty Phát điện 3 (EVNGenco3).

Chưa có số liệu thống kê đầy đủ về việc dòng tiền trên thị trường niêm yết rút ra để đóng tiền cho các đợt IPO hay không, tuy nhiên do cộng hưởng một phần từ TTCK thế giới và tâm lý giảm margin trước kỳ nghỉ Tết đã khiến Vn-Index giảm hơn 100 điểm trong tuần đầu tháng 2.

Tuy nhiên, đây mới là liều thuốc thử đầu tiên. Ngay sau kỳ nghỉ lễ này thị trường sẽ lại trải qua một đợt khảo nghiệm khác; tuy quy mô nhỏ hơn nhưng tính chất cộng hưởng nối tiếp từ đợt IPO trước sẽ một lần nửa kiểm định chất lượng của dòng vốn trên thị trường.

Chưa thể so sánh với đợt IPO “26.000 tỷ” trước kỳ nghỉ lễ nhưng sự xuất hiện của những cái tên nổi tiếng khác cũng được đánh giá khá cao và là bài thuốc thử vừa phải cho giai đoạn này. Đây là “Tam anh” IPO gồm Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro); Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) và Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Protrade Corp).

Mặc dù đợt IPO này vẫn còn nhiều doanh nghiệp khác cũng thực hiện bán đấu giá nhưng xét về quy mô vốn và tiếng tăm, có lẽ 3 cái tên trên là các doanh nghiệp có thể gây tác động đến dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

“Tam anh” đấu giá gần 2.500 tỷ đồng

Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) sẽ là cái tên đầu tiên “xuất trận” khi thực hiện đấu giá bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào lúc 9h sáng ngày 14/3. Theo đó, Vinafood II sẽ đấu giá công khai 114,8 triệu cổ phiếu, tương đương gần 23% vốn điều lệ. Với giá khởi điểm 10.100 đồng/cổ phần, giá trị Nhà nước thu về vào khoảng 1.160 tỷ đồng cũng là phiên bán vốn lớn nhất trong đợt này. Theo phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của tổng công ty sau cổ phần hóa là 5.000 tỷ đồng. Trong đó, Bộ NN&PTNT chiếm 51% vốn; khối lượng IPO chiếm tỷ lệ 23%; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động 5 triệu cổ phần; cổ phần bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp 200.000 cổ phần; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược 125 triệu cổ phần, chiếm 25% vốn điều lệ.

Vinafood II là đơn vị giữ vai trò chính trong việc đàm phán, bán hàng với các nước nhập khẩu gạo, cũng như mở rộng và phát triển thị trường xuất khẩu cho hạt gạo Việt. Nửa đầu năm 2017, doanh thu của tổng công ty đạt 4.433 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ đạt gần 200 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Vinafood 2 lỗ ròng tới 118 tỷ đồng sau nửa năm.

Về lộ trình bán cổ phần cho NĐT chiến lược, mới đây Vinafood II cho biết mới nhận được duy nhất hồ sơ đăng ký trở thành nhà đầu tư chiến lược từ Công ty cổ phần Tập đoàn T&T khi thời điểm cổ phần hoá cận kề.

Kế đến, một “Tổng” khác từ Bình Dương cũng thực hiện IPO là Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH MTV (Protrade Corp). Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào 9h ngày 28/3. Cụ thể, Protrade Corp sẽ thực hiện chào bán 30 triệu cổ phần, chiếm 10% vốn điều lệ (3.000 tỷ đồng) ra công chúng với giá khởi điểm 12.000 đồng/cp, như vậy nếu chào bán thành công Tổng công ty sẽ thu về tối thiểu khoảng 360 tỷ đồng.

Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 được thành lập vào năm 1982 theo quyết định số 02/QĐTU do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sông Bé ban hành. Từ 2010, Protrade Corp được chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.

Đây cũng là tổng công ty thứ 3 đến từ Bình Dương tiến hành IPO trong khoảng thời gian vừa qua. Trước đó, Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ – TNHH Một thành viên (Thalexim) và Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – TNHH MTV (Becamex IDC) đều đã thực hiện IPO và cũng đã đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Cuối cùng, một đại diện từ miền Bắc là Công ty mẹ – Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ tiến hành IPO vào lúc 8h30 ngày 30/3 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Theo đó, Hapro sẽ thực hiện chào bán 75,93 triệu cổ phần, chiếm 34,51% vốn điều lệ. Giá khởi điểm được xác định là 12.800 đồng/cp, nếu thành công Hapro dự kiến thu về tối thiểu 971 tỷ đồng. Với phương án cổ phần hóa, vốn điều lệ của Hapro là 2.200 tỷ đồng tương ứng với 220 triệu cổ phần. Hình thức cổ phần hóa là kết hợp hình thức bán toàn bộ phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm để tăng vốn điều lệ.

Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là 1.074.000 cổ phần, chiếm 0,49% vốn điều lệ; 75,93 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ; 143 triệu cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ.

Hapro hiện hoạt động theo mô hình Công ty mẹ – Công ty con với trên 40 đơn vị thành viên, có thị trường tại hơn 70 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2017, doanh thu thuần của Hapro giảm 17% còn 1.927 tỷ đồng; cộng thêm doanh thu tài chính sụt giảm mạnh khiến cho lợi nhuận trước thuế của tổng công ty chỉ bằng 1/6 năm 2016 đạt 11 tỷ đồng.

Liều thuốc thử vừa phải

Có thể nhận thấy một hiện tượng trong tháng đầu của năm 2018 là “trâu chậm uống nước đục”. Dễ dàng nhận thấy sự “hụt hơi” của dòng tiền trong các đợt IPO sau này với sự suy giảm mạnh về lượng đăng ký, mà điển hình nhất là 2 phiên IPO khá ế ẩm của VRG và EVNGenco3. Điều này liệu có lặp lại?

TTCK sau đợt điều chỉnh mạnh đã có lúc rớt xuống 1.000 điểm nhưng hiện tại vẫn duy trì tốt chỉ số và dần tiến về mốc 1.100 điểm. Do vậy, nếu vượt qua bài kiểm tra lần này, thị trường sẽ có đủ niềm tin và mạnh mẽ tiến nhanh đến những mốc mới. Không giống đợt IPO khủng trước đó, quy mô đợt bán cổ phần này thấp hơn rất nhiều (quy mô khoảng 1/10) nhưng vẫn đặt ra nhiều lo ngại từ ảnh hưởng “cộng hưởng” từ đợt trước. Lượng tiền chôn vào đợt IPO trước vẫn chưa thể nhanh chóng chốt lời và lượng tiền trên TTCK sẽ lần nữa rút thêm ra cho đợt IPO này. Do vậy, đây có thể xem là liều thuốc thử vừa phải.

Hiện nay về quỹ đầu tư, nếu như PYN Elite vẫn tăng cường mua vào cổ phiếu trên sàn thì hai nhà quản lý quỹ lớn nhất thị trường Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital thời gian qua lại đang dần thoái vốn tại nhiều doanh nghiệp như PVS, FPT, VGT,… và cũng đã rất tích cực tham gia trong các đợt IPO vừa qua. Ngoài ra, dòng tiền “nóng” vào Việt Nam thời gian qua cũng tăng rất mạnh, đặc biệt là dòng vốn từ Hàn Quốc và Thái Lan giúp thị trường đủ sức vượt qua bài kiểm tra này cũng như nhiều thử thách khác trong thời gian tới.

Theo CafeF

VN-INDEX GIỮ ĐƯỢC MỐC 1.000 ĐIỂM TRONG GANG TẤC

1.000 điểm – ngưỡng hỗ trợ quan trọng của VN-Index và cũng là ngưỡng quyết định tâm lý của nhiều nhà đầu tư đã được trụ vững sau một phiên giao dịch đầy biến động ngày hôm nay (9/2). Hết phiên giao dịch, VN-Index giảm 19,31 điểm (gần 1,9%) còn 1.003,94 điểm. Trên sàn Hà Nội, cả HNX-Index và UPCOM-Index đều giữ được sắc xanh sau khi lực cầu tăng mạnh vào cuối phiên. Lực cầu tăng đột biến từ khoảng 14h chiều đã kéo nhiều cổ phiếu “trở lại mặt đất”. Số cổ phiếu giảm trên sàn HoSE chỉ còn 174 cổ phiếu, trong khi số cổ phiếu tăng đã vượt qua con số 100. Tuy nhiên, thanh khoản toàn thị trường tiếp tục duy trì ở mức thấp với gần 8.000 tỷ đồng giá trị giao dịch, con số này chỉ bằng một nửa so với phiên giao dịch đột biến 6/2.

Kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động, VN-Index đã giảm hơn 100 điểm, từ mức 1.110 điểm vào cuối thứ 6 tuần trước về sát ngưỡng 1.000 điểm, tương đương với giá trị vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường gần 280.000 tỷ đồng. Tuần thứ 2 của tháng 2 cũng đã đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán khi ghi nhận những phiên giảm điểm kỷ lục từ trước tới nay.

Trước đó, mở cửa phiên sáng nay (9/2), thị trường chịu áp lực bán tháo mạnh ngay từ đầu phiên khiến phần lớn cổ phiếu trên thị trường chìm trong sắc đỏ. Tính tới 9h30, VN-Index giảm hơn 45 điểm, tương đương gần 5% về dưới ngưỡng 980 điểm. Đây cũng là phiên giao dịch thứ hai trong tuần này, chỉ số đại diện cho HoSE về dưới mốc 1.000 điểm. Đến trưa, đà giảm dù đã thu hẹp so với thời điểm mở cửa nhưng diễn biến giao dịch tiêu cực vẫn là chủ đạo của thị trường cho tới kết thúc phiên sáng. “Sắc đỏ” của VN-Index được thu hẹp về còn 34 điểm tính tới 13h30 ngày 9/2 so với hơn 45 điểm lúc mở cửa. Tuy nhiên, số cổ phiếu giảm vẫn đang áp đảo khi gấp 5 lần nhóm giữ được sắc xanh. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index và UPCOM-Index thu hẹp về chỉ còn giảm trên dưới 1%.

Tuy vậy, tín hiệu tiêu cực vẫn còn khi thanh khoản toàn thị trường duy trì ở mức thấp với hơn 5.000 tỷ đồng giá trị giao dịch, phần nào cho thấy tâm lý thận trọng từ phía nhà đầu tư. Theo một số chuyên gia, nhiều nhà đầu tư trên thị trường đang bước vào giai đoạn tâm lý lưỡng lự khi không biết có nên tiếp tục nắm giữ hay bán chốt lời. “Thị trường diễn biến khá phức tạp trong thời gian gần đây khi những phiên tăng giảm với biên độ lớn xảy ra đan xen. Nhiều nhà đầu tư đang đứng trước ngã ba đường khi vừa muốn nắm giữ để chờ thị trường phục hồi, nhưng cũng lo ngại đà giảm bị kéo giãn”, một chuyên gia nhận định.

Theo lịch nghỉ Tết từ Sở HoSE, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch thêm 2 phiên đầu tuần sau, trước khi bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày. Tâm lý nghỉ Tết cũng là nguyên nhân được nhiều chuyên gia nhắc đến trong thời gian gần đây khi lý giải sự lao dốc của thị trường. Trong báo cáo chiều muộn ngày hôm qua (8/2), phần lớn công ty chứng khoán đều đưa ra góc nhìn thận trọng cho diễn biến giao dịch trong phiên cuối tuần khi những phiên giao dịch gần đây, thị trường đang bộc lộ những dấu hiệu không ổn định. Kết thúc phiên giao dịch 8/2, VN-Index đã giảm hơn 17 điểm, tương đương 1,67%. Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), lượng hàng bắt đáy T+3 chưa về tài khoản nhà đầu tư mà VN-Index đã giảm khá mạnh là biểu hiện của lực cầu suy yếu cùng áp lực bán cắt lỗ.

Cùng quan điểm này, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng hoạt động bán có thể sẽ vẫn tiếp tục trong phiên hôm nay do hiệu ứng của kỳ nghỉ Tết dài. Và sự phục hồi trở lại, theo công ty này, nhiều khả năng sẽ chỉ bắt đầu trong hai phiên đầu tuần sau. Chốt phiên giao dịch tối qua, thị trường chứng khoán Mỹ cũng trải qua một đợt bán tháo mạnh khi Dow Jones mất 4,15%, tương đương 1.033 điểm. Đây là lần thứ hai trong tuần chỉ số này giảm trên 1.000 điểm.

Chứng khoán châu Á sáng nay cũng nối gót Mỹ đi xuống, tuy không mạnh như phiên thứ Tư. Thị trường Nhật Bản, Hong Kong, Trung Quốc đều đã vào giai đoạn điều chỉnh, khi các chỉ số chính hiện thấp hơn 10% so với đỉnh cuối tháng 1. MSCI châu Á – Thái Bình Dương đã mất 2,4%. Tại thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á – Nhật Bản, Nikkei 225 sáng nay vẫn duy trì mức giảm quanh 3,2%, còn Topix mất 2,84%. Trong khi đó, đà giảm của Shanghai Composite (Trung Quốc) đã tăng tốc lên 5,19%. Hang Seng Index (Hong Kong) cũng mất 4,2%.

Kospi (Hàn Quốc) có mức giảm thấp hơn nhiều so với 2 thị trường trên, với 1,9%. Chỉ số tại hàng loạt sàn khác trong khu vực, như Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand, Australia , Singapore, Thái Lan cũng đồng loạt đi xuống.

Theo Vnexpress

CUỘC HỒI SINH SAU “CƠN CHẤN ĐỘNG” 300.000 TỶ ĐỒNG

Sau 30 phút giao dịch đầu tiên, VN-Index đã tăng 31,54 điểm tương ứng 3,12% lên 1.043,14 điểm. VN30-Index cũng tăng 31,62 điểm tương ứng 3,14 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 3,69 điểm tương ứng 3,19% lên 119,33 điểm; HNX30-Index tăng 8,83 điểm tương ứng 3,98%. Trên sàn HSX có 226 mã tăng so với 27 mã giảm trong khi HNX có 111 mã tăng và chỉ có 30 mã giảm giá.

Các mã ngân hàng vẫn đang dẫn đầu xu hướng phục hồi: BID tăng 1.800 đồng, VCB tăng 2.300 đồng… Có đến 29 mã trong rổ VN30 tăng giá, ngoại trừ MSN vẫn đang giảm 1.000 đồng. Trước đó, thị trường đã có 2 phiên rơi tự do. Vốn hoá toàn thị trường bốc hơi gần 300.000 tỷ đồng. Giữa bối cảnh này, trên thị trường thậm chí còn lan truyền một biểu đồ tâm lý nhà đầu tư.

Biểu đồ thú vị về tâm lý nhà đầu tư được lan truyền trên mạng xã hội

Sự phục hồi mạnh mẽ ngay từ đầu phiên nhờ dòng tiền mạnh mẽ đổ vào thị trường đón xu hướng tăng. Chỉ trong hơn 30 phút đã có hơn 1.000 tỷ đồng đổ vào HSX và hơn 230 tỷ đồng đổ vào HNX. Không chỉ thị trường Việt Nam mà thị trường thế giới cũng đã cho thấy sự đảo chiều ngoạn mục. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones tăng 567 điểm, mức tăng cao nhất từ tháng 8/2015 và cao thứ 4 trong lịch sử giao dịch của sàn này.

Chứng khoán châu Á cũng tăng trở lại sau 2 ngày bán tháo. Topix và Nikkei 225 của Nhật Bản lần lượt tăng 3,2% và 3,1%; Kospi của Hàn Quốc tăng 0,9%; Hang Seng của Hong Kong tăng 0,5%…Xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia tối qua, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng cho biết, mặc dù thị trường giảm mạnh như vậy nhưng thanh khoản thị trường không hề sụt giảm trong 2 ngày qua, thậm chí còn rất tốt.

Giá trị giao dịch trong ngày 6/2 đạt trên 17 nghìn tỷ đồng trên cả hai sàn HOSE và HNX và ngay cả trong ngày thứ 2 giảm mạnh thì nước ngoài vẫn mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và mua ròng hơn 273 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.Đây là dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ với tổng giá trị trên 9.600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng trái phiếu….

Trong bối cảnh như vậy, có thể nói sự nhạy cảm của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài tâm lý chung của thị trường chứng khoán thế giới. “Trong lúc này, tôi mong nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh giao dịch theo tâm lý đám đông trong bối cảnh thị trường thế giới giảm điểm. Nền tảng vĩ mô của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tích cực. Do đó, thị trường vẫn được kỳ vọng phát triển bền vững trong năm nay”, ông Dũng đưa ra khuyến nghị.

Theo Dantri

BÁN THÁO Ồ ẠT, VỐN HÓA THỊ TRƯỜNG ‘BỐC HƠI’ THÊM 220.000 TỶ ĐỒNG

“Giẫm đạp lên nhau mà chạy” là câu nói được nhắc nhiều nhất hiện giờ trên các diễn đàn về chứng khoán sáng nay (6/2). Không nằm ngoài dự đoán của một số chuyên gia, trạng thái tiêu cực tiếp tục diễn ra ngay trong đầu phiên sáng khi nhà đầu tư quyết tâm bán bằng mọi giá. Dù tiền từ nhà đầu tư liên tục đổ vào thị trường để bắt đáy tạo ra vài nhịp hồi nhẹ trong phiên, song lực bán quá lớn khiến đà giảm không thể thu hẹp. Chốt phiên sáng ngày 6/2, VN-Index giảm gần 62 điểm, tương đương gần 6%, còn 987 điểm, trên sàn Hà Nội HNX-Index mất gần 7% còn UPCOM-Index giảm 5,25%.

Thanh khoản của thị trường đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 40% so với ngày hôm qua, với các lệnh mua lớn quét tại mức giá sàn của một số cổ phiếu bluchip. Tuy nhiên, lực bán sau đó gia tăng đã ép nhiều cổ phiếu trở lại tình trạng “trắng bảng bên mua”. Thị trường thể hiện sự chênh lệch rõ ràng khi chỉ có 64 mã tăng giá nhưng có tới 614 mã giảm giá, hơn 200 mã cổ phiếu giảm sàn. Sau 15 phút mở cửa thị trường, VN-Index đã ghi nhận mức giảm gần 6%, tương đương 62,3 điểm xuống còn 966,41 điểm. VN30-Index, đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm tương đương xuống còn 972,58 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm gần 6% còn 112 điểm. Vốn hóa của sàn HoSE chốt phiên hôm qua (5/2) là 2,84 triệu tỷ, đến đầu giờ sáng nay đã bốc hơi 170.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6%. Sàn HNX và UPCoM mất lần lượt 6,6% và 5% giá trị vốn hóa. Tổng thị trường đã giảm hơn 218.000 tỷ đồng tính tới 9h40 sáng nay.

Trước đó, trao đổi với VnExpress chiều 5/2, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng đà giảm mạnh có thể sẽ tiếp tục tái diễn trong phiên 6/2 khi các công ty chứng khoán bán cổ phiếu thu hồi khoản vay (call margin) của nhà đầu tư. Trong bản tin chiều tối qua, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng tham gia thị trường lúc này khi rủi ro đang lên rất cao. Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những phiên sắp tới khi mà tâm lý chung các nhà đầu tư đang rất hoang mang. Công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường dự kiến vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên sắp tới, khiến rủi ro điều chỉnh của thị trường chung ở mức cao.

Thị trường không còn điểm để nhà đầu tư bấu víu khi ngay trong nhóm VN30, tất cả 30 cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ với 7 mã giảm sàn. Một loạt cái tên lớn trên thị trường như Bảo Việt, VietinBank hay Masan đều ở tình trạng “trắng bảng bên mua”. Thanh khoản thị trường chỉ ở ngưỡng 2.000 tỷ đồng sau những phút mở cửa phần nào cho thấy tâm lý thận trọng. “Nhà đầu tư sẽ không quyết định xuống tiền nếu biết thị trường sẽ còn tiếp tục giảm, trong khi người bán vẫn đang quyết tâm bán bằng mọi giá”, một chuyên gia nhận định.

Theo Vnexpress

17 TỶ USD BỊ “ĐÁNH BAY” KHỎI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Đáng nói là dẫn đầu làn sóng giảm giá này lại là các mã lớn, qua đó khiến VN30-Index mất 60,02 điểm tương ứng 5,8% và VN-Index cũng bị “thổi bay” 61,61 điểm tương ứng 5,87% về mức 987,1 điểm. BID, GAS, MSN, SSI, ROS, PLX, và thậm chí là cả VIC cũng giảm sàn.

Với mức giảm gần 6%, các chỉ số của sàn HSX gần như đi ngang trong suốt phiên sáng. Trong khi, HNX-Index cũng giảm rất mạnh 6,95 điểm tương ứng 5,85% và HNX30-Index “bốc hơi” 16,74 điểm tương ứng 7,19%. Trên thị trường vẫn có 40 mã tăng giá, 10 mã tăng trần, hầu hết là mã nhỏ. NVL là mã duy nhất trong rổ VN30 trụ lại được, tăng giá nhẹ 100 đồng lên 81.700 đồng. Các tính toán ban đầu cho thấy, trong sáng nay, vốn hoá toàn thị trường đã giảm hơn 218.000 tỷ đồng (hơn 9 tỷ USD). Và như vậy, tính cả phiên hôm qua đến nay, chứng khoán Việt Nam đã bị đánh bay khoảng 17 tỷ USD.

Sáng nay, cùng với thị trường Việt Nam, các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng đồng loạt giảm sâu. Hang Seng của Hồng Koong lao dốc 1.385,4 điểm tương ứng 4,3%; Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1.194,2 điểm; Kospi của Hàn Quốc giảm 72,39 điểm tương ứng 2,91%… Đà bán tháo đang lan rộng trên quy mô toàn cầu đối với tài sản cổ phiếu. Dow Jones đã sụt giảm hơn 1.100 điểm và S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 6 năm. Lực bán tháo khiến không mã nào trong nhóm VN30 trụ lại được mức giá tham chiếu. VN30-Index trong 30 phút đầu tiên đã mất hơn 60 điểm (5,81%), qua đó kéo VN-Index cũng mất 59,13 điểm (5,64%) và “xuyên thủng” mốc 1.000 điểm. Đáng lo ngại là biên độ giảm vẫn đang tiếp tục giãn ra. Trước đó, vào phiên hôm qua, vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị “thổi bay” 8 tỷ USD với mức sụt giảm kỷ lục kể từ sự kiện biển Đông năm 2014.

Hàng loạt bluechips như VIC, GAS, PLX, MSN, BVH, VJC, HPG….nằm sàn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá “thảm khốc” với CTG, VCB chuyển màu xanh xám, BID mất gần 1.000 đồng, MBB mất 1.900 đồng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất hơn 5,5% và HNX30-Index mất gần 7%. PGS, PVC, PVS giảm sàn, hầu hết cổ phiếu trong HNX30 cũng đều giảm giá. Tuy nhiên, giữa lúc thị trường chìm ngập trong “sắc đỏ” thì vẫn có những mã cổ phiếu “kiên cường” đi ngược lại đám đông. HGM, ARM, LCS, MEC, MCO “tím” giá trần trên HNX; COM, GTA, PJT… cũng tăng trần trên HSX. Dù vậy, thanh khoản các mã này khá thấp.

Lý giải cho hiện tượng điều chỉnh mạnh trên thị trường, ông Đỗ Bảo Ngọc từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường đã có thời gian tăng khá mạnh trong 2 tháng trở lại đây, nhiều mã bluechip đã tăng trong khoảng 50% – 60%. Với mức tăng cao như thế, nhu cầu chốt lời cũng cao và rơi vào thời điểm cuối năm trước kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh do TTCK toàn cầu. Theo đó, TTCK Mỹ trong phiên thứ sáu tuần trước đã giảm hơn 600 điểm. Cùng với đó, dòng vốn ngoại thời gian gần đây chững lại và có dấu hiệu bán ròng nhẹ. Đây là các yếu tố khiến nhà đầu tư có nhu cầu bán và chốt lời mạnh hơn.

Một lý do không thể không nhắc đến đó là trong quá trình thị trường tăng điểm, có tích tụ lượng margin lớn. Do đó, khi thị trường giảm mạnh, điều này kéo theo hiện tượng cắt margin và càng làm áp lực giảm lớn hơn. Tổng hòa các yếu tố này khiến thị trường giảm điểm rất mạnh.

Theo Dantri