Hạ lãi suất, ổn tỷ giá: Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận Việt Nam đã có những bước đi vững vàng, đã nỗ lực thay đổi chính sách, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh và có những vùng kinh tế phát triển vững bền, trong đó phải kể đến những đóng góp của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, cải thiện dần môi trường đầu tư, tăng niềm tin của nhà đầu tư với các chính sách tại Việt Nam. Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).

Giảm lãi suất – nắn dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên

Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017, Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, từ ngày 10/7/2017, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% của Quốc hội, đồng thời hoạt động ngân hàng có diễn biến tích cực, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN, có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đánh giá cao động thái này của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ nhận định: “Quyết định này của NHNN thể hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ”.

Trên thực tế, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã tích cực triển khai giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD), cụ thể giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực SXKD với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó), triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm. Đồng thời, các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Đánh giá về điều hành chính sách tiền tệ những tháng qua, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định chính sách đã chủ động cung ứng nguồn vốn tương đối lớn cho nền kinh tế đáp ứng kịp thời vốn lưu động cũng như đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Linh hoạt điều hành tỷ giá

Diễn biến tỷ giá những tháng qua được cho là khá bất ngờ đối với thị trường khi nhìn lại 3/4 chặng đường đã qua. Hồi đầu năm, tỷ giá được cơ quan điều hành, hoạch định chính sách cũng như nhiều phân tích của các chuyên gia, tổ chức trong nước cũng như quốc tế đánh giá là chịu khá nhiều áp lực. Tỷ giá có thể tăng 2-3% từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm 2016, nhất là đồng USD – đồng tiền chủ chốt trong rổ tính tỷ giá của Việt Nam mạnh lên. Cùng với đó là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm trước, nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực giảm giá mạnh, lạm phát có khả năng tăng khi giá hàng hóa thế giới phục hồi…Nhưng đến thời điểm này, theo tính toán TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá chỉ tăng khoảng 1%, tổng mức tăng cả năm chỉ đến 1,5% cho thấy tỷ giá của Việt Nam khá ổn định.

Đáng chú ý, ngày 10/10, lần đầu tiên NHNN giảm giá mua vào USD kể từ khi áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới (từ 4/1/2016), đồng thời đánh dấu sự khác biệt lớn của diễn biến tỷ giá năm nay so với những năm trước. Động thái này được nối dài trong 3 ngày sau đó, và là lần đầu tiên thị trường chứng kiến NHNN liên tiếp hạ giá mua vào USD, cũng như sử dụng một công cụ mới để linh hoạt điều hành chính sách tỷ giá. Là người mua bán sau cùng trên thị trường, can thiệp hoặc điều tiết qua giao dịch trực tiếp của mình khi cần, việc NHNN liên tiếp hạ giá mua vào USD như trên là tín hiệu mới, cho thấy sự linh hoạt hơn của nhà điều hành trong ứng xử với tỷ giá. Tại các NHTM, tỷ giá đã có chuỗi ngày đi xuống, trái ngược với diễn biến các năm trước – tỷ giá thường nóng lên vào những tháng cuối năm.

Điểm nhấn trong điều chỉnh chính sách tỷ giá những ngày qua còn là NHNN sử dụng công cụ giao dịch kỳ hạn, khẳng định tính linh hoạt trong chính sách điều hành của NHNN. Với việc cho phép sử dụng sản phẩm mua kỳ hạn giúp các NHTM có thêm lựa chọn bán ngoại tệ cho NHNN trong tương lai với mức giá hiện tại, mà không lo giá sẽ giảm trong tương lai. Động thái này, theo đánh giá của một chuyên gia, sẽ mang lợi kép cho các NHTM, giúp các ngân hàng vừa chủ động cân đối nguồn ngoại tệ vừa có thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đang bước vào những tháng cao điểm.

Quan sát thị trường những ngày qua, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia PGS – TS. Nguyễn Thị Mùi đánh giá tích cực những điều chỉnh trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN phù hợp với thực trạng diễn biến cung – cầu ngoại tệ trên thị trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động hơn. Khi thấy xu hướng đồng USD giảm giá vẫn tiếp diễn, NHNN chủ động mua vào một lượng lớn để tăng dự trữ quốc gia (quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia hiện đã lập kỷ mục mới với 45 tỷ USD). Song song với hoạt động này, NHNN đã tăng khối lượng tín phiếu NHNN với kỳ hạn dài hơn để hút bớt tiền đồng đã đưa ra mua ngoại tệ, không tạo áp lực cung tiền.

“Thực tế, đây không phải lần đầu NHNN xử lý tình huống thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền. Cái khó ở đây, thời điểm cuối năm cung tiền thường tăng cao, nếu xử lý không khéo lại tạo áp lực lên lạm phát. Do đó đòi hỏi NHNN vừa khéo chọn công cụ vừa phải theo dõi sát diễn biến lạm phát để thực hiện tiền bơm – hút nhịp nhàng. Điển hình như việc nới kỳ hạn tín phiếu từ 7 ngày lên 14 ngày với khối lượng khá linh hoạt theo lượng ngoại tệ mà NHNN mua vào để đảm bảo tăng dự trữ ngoại hối không gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.

Thủ tục vay ngân hàng nhanh gọn hơn

Trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, NHNN xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức khoảng 21%, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh rằng, khác với các năm trước, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, không còn tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào cuối năm như những năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao so với một số năm gần đây. Trong đó, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 17,6%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, tín dụng lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với cuối năm 2016. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, tăng 7,5% so với 31/12/2016. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực về nguồn vốn cho GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.

Vốn tín dụng đã đến với doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ. Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” diễn ra ngày 19/10 vừa qua, các chuyên gia đều đánh giá cao chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, là chương trình hành động cụ thể, chưa từng có tiền lệ đối với một cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng . Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HHDN TP HCM cho rằng, thành công lớn nhất của chương trình là “từ chỗ doanh nghiệp đi tìm ngân hàng, sau đó ngân hàng đi tìm doanh nghiệp, giờ cả hai đã tìm đến nhau, cùng bắt tay hợp tác, không chỉ giải quyết vấn đề nguồn vốn mà niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày càng được củng cố”. Chương trình còn cho thấy tính chủ động, sáng tạo và sự tích cực thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ phía NHNN, các NHTM.

Nói về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định là mối quan hệ cộng sinh, bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc cũng khẳng định, về phía NHNN sẽ luôn điều hành tiền tệ công khai, minh bạch, phát đi thông điệp chủ động cho thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải quyết các thủ tục vay, xây dựng quy trình vay là một trong những vấn đề cải tiến hàng đầu của các ngân hàng hiện nay nhằm đẩy nhanh nguồn vốn ra nền kinh tế và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong quý 3/2017, NHNN đã ban hành Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện và không thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN. Theo quyết định công bố, trừ 8 thủ tục hành chính thực hiện qua mạng internet hoặc phải nộp trực tiếp, toàn bộ 326 thủ tục hành chính còn lại đều có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tùy thuộc nhu cầu của tổ chức, công dân. NHNN cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” tại NHNN, phấn đấu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ, bãi bỏ các báo cáo không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lắp, không cần thiết.

Theo công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Nội vụ trong 4 năm (2013 – 2016), trong số 19 bộ ngành, NHNN luôn là đơn vị đứng vị trí hàng đầu. Tại buổi kiểm tra công tác cải cách hành chính ngân hàng ngày 20/10 vừa qua do NHNN tổ chức tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, hồ sơ – thủ tục vay hiện nay đã nhanh gọn hơn rất nhiều so với trước đây. Sau 2 buổi làm việc với các doanh nghiệp và đột xuất kiểm tra một số ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận xét ngân hàng hiệu quả là lãi suất thấp mà thời gian làm thủ tục vay cũng phải rút ngắn nhất.

Đồng hành cùng bà con nông dân, hỗ trợ khắc phục thiên tai

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng trọng điểm khác cũng được ngành Ngân hàng triển khai tích cực, tháo gỡ dần những vướng mắc cho bà con ngư dân, nông dân vay vốn, như cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 31/8/2017, các NHTM đã cho vay để đóng mới, nâng cấp 1.043 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 10.353 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 9.327 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.153 tỷ đồng. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình cho vay hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67, NHNN đã trình TTCP xem xét chấp thuận phương án tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu và ngân hàng cho vay.

Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ cũng đạt những kết quả bước đầu, với dư nợ cho vay của các NHTM đạt khoảng 32.000 tỷ đồng. Để việc cho vay có hiệu quả, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để đẩy mạnh triển khai chương trình.

Ngoài ra, vốn ngân hàng còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững, với gần 32 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn, doanh số đến nay là 433.000 tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo và trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động. Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập và nhiều chương trình quan trọng khác về xóa đói giảm nghèo như 9,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Những năm qua, mỗi khi đồng bào trên khắp các vùng miền bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, ngành Ngân hàng cũng luôn chủ động có những hỗ trợ thiết thực, giúp bà con khắc phục hậu quả. Vừa qua, để hỗ trợ người dân khắc phục hâu quả do bão lũ tháng 10/2017 gây ra, thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành văn bản số 8377/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch HĐQT/ HĐTV, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng (TCTD) và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ…

Có thể nói, những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong vấn đề giảm lãi suất, đưa vốn ra nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn cùng sự linh hoạt, chủ động điều hành tỷ giá đã góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng GDP quý III/2017 (tăng 7,46%), phấn đấu cho mục tiêu GDP cả năm 6,7%; đóng góp vào sự kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc. Tất cả điều này sẽ tạo niềm tin tốt cho các thành viên tham gia thị trường, từ người dân, ngân hàng đến nhà đầu tư. Sự đồng lòng bao giờ cũng giúp nhà điều hành chính sách vượt khó dễ dàng hơn.

Thời gian tới, trong điều hành lãi suất, tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực SXKD. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực (cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP;…)

Theo CafeF

Phó Thống đốc NHNN: Với dự trữ ngoại hối 45 tỷ USD, tỷ giá sẽ ở mức ổn định

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dự trữ ngoại hối ở mức cao kỷ lục sẽ giúp cơ quan này tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh Chính phủ tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trao đổi với phóng viên Bloomberg bên lề một hội nghị ở Hội An hôm thứ 7 (21/10) vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng, phó Thống đốc NHNN, cho biết với dự trữ ngoại hối 45 tỷ USD, “chúng tôi tin rằng có thể giữ tỷ giá sẽ ở mức ổn định”. “Lượng dự trữ ngoại hối cao sẽ cho phép NHNN can thiệp để ổn định thị trường tiền tệ khi cần thiết”, bà nói.

Sau nhiều đợt tăng tỷ giá VND/USD trong năm 2015, năm ngoái NHNN đã chuyển sang sử dụng cơ chế thiết lập tỷ giá dựa trên cơ sở các yếu tố thị trường và điều chỉnh tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, VND là một trong số những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á.

Trong khi đó ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cũng nhận định dự trữ ngoại hối tăng lên một phần được hỗ trợ từ lượng kiều hối mà hiện đang dự báo sẽ tăng 10% vào TP HCM cuối năm nay. Theo bà Hồng, NHNN sẽ hỗ trợ các ngân hàng có đủ thanh khoản “để họ có thể cho vay ở mức lãi suất thấp hơn”. “Bằng cách giúp các ngân hàng tăng thanh khoản, chúng tôi sẽ có thể đạt được việc giảm lãi suất cho vay mà không cần phải hạ lãi suất điều hành”.

Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2017, đặc biệt là tháng 7 vừa qua NHNN đã bất ngờ giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên trong 3 năm. Việt Nam đang cố gắng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Nếu thành công, 2017 sẽ là năm kinh tế tăng trưởng cao nhất kể từ 2007. Trong 9 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,41%.

Theo CafeF

Lương tối thiểu: Khuyến nghị tăng thêm 1.350.000 đồng giai đoạn năm 2013-2018

Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động VN (Tổng LĐLĐ VN) công bố hôm 17/10 cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động (không kể ăn ca) đạt gần 5.500.000 đồng/tháng. Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp như tiền chuyên cần, tiền nhà ở…

Theo ông Trần Văn Lý – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) đạt khoảng 1,3 – 1,5 triệu đồng. Số tiền này chiếm từ 20% đến 30% thu nhập của người lao động. Trong đó, lao động trực tiếp sản xuất nhận được số tiền làm thêm giờ tương đối cao. Những tháng không làm thêm giờ và hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, thu nhập của người lao động sẽ giảm sút, đời sống gặp khó khăn.

Thống kê của hệ thống công đoàn cho thấy, tình trạng tranh chấp lao động, đình công 6 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể có tới 72 cuộc/133 cuộc tranh chấp lao động và đình công (chiếm 54,1%). Trong đó, một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%). Tổng LĐLĐ VN nhận định, các mức lương tối thiểu do Chính phủ điều chỉnh trong những năm qua đã góp phần cải thiện tiền lương thực tế của người lao động, nhưng tiền lương tối thiểu còn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Trên cơ sở đó, ông Trần Văn Lý đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động. “Đặc biệt, khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ” – ông Trần Văn Lý cho biết. Cơ quan có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi mức sống tối thiểu là căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương Quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu.

Ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ – CP, nhằm giúp người lao động được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Dantri

Thủ tướng kêu gọi nhắn tin ủng hộ đồng bào vùng lũ

Tối 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cầu truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức. Phát biểu trong chương trình, Thủ tướng nói, chúng ta đang ở đây, trong khi hàng nghìn đồng bào đang chịu cảnh lũ lụt tàn phá. Nhiều gia đình tang thương, mất người, mất nhà do bị đất đá vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi. Rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo.

Ông chia sẻ, đó là đồng bào ta, một bộ phận của dân tộc Việt Nam, mọi người cần tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo một cách có trách nhiệm và tình thương. Kêu gọi tinh thần “cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, người đứng đầu Chính phủ nói: “Xin mọi người cùng với tôi cầm điện thoại lên. Chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt. Soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng”.

Chương trình cầu truyền hình trực tiếp nêu trên là sự kiện mở đầu cho tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ 17/10 đến 18/11. Tại chương trình, các nhà hảo tâm đã cam kết ủng hộ hơn 264 tỷ đồng cho người nghèo.

Ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 đến 12/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to, gây ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều nơi. Theo Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai, đến 21h00 ngày 15/10, có 72 người chết, 30 người mất tích và 33 người bị thương. Mưa lũ làm trên 200 nhà bị sập, gần 50.000 nhà ngập và 2.300 gia đình phải di dời khẩn cấp; trên 9.300 gia súc và khoảng 300.000 gia cầm bị chết, bị cuốn trôi.

Theo VnExpress

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam vọt lên 45 tỷ USD

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ngày 11/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự trữ ngoại hối hiện đạt 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016. Đây là mức dự trữ ngoại hối lớn nhất được công bố từ trước đến nay.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 giữa Chính phủ và các địa phương ngày 3/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD. Như vậy, từ cuối tháng 6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra một lượng tiền đồng lớn để mua ròng 3 tỷ USD.

Theo thống kê của VnEconomy, quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia được công bố tại một số thời điểm. Tháng 6/2008, Việt Nam tích trữ được 20,7 tỷ USD ngoại tệ. Đến tháng 1/2011, theo số liệu của một số tổ chức nghiên cứu tổng hợp lại, quy mô dự trữ ngoại hối giảm mạnh xuống còn khoảng 12,58 tỷ USD. Đến cuối 2012, con số này gia tăng trở lại, đạt khoảng 22-23 tỷ USD.

Mức nhập siêu bị thu hẹp trong những tháng gần đây, thậm chí Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu 328 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, kiều hối tăng đều là những điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ. Sáng ngày 11/10, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có điều chỉnh giảm giá mua vào USD thêm 5 đồng sau khi bất ngờ giảm 5 đồng ngày hôm trước, sau 3 lần tăng giá mua vào đồng bạc xanh từ đầu năm nay.

Theo CafeF

Việt Nam sẽ tận dụng tối đa cơ hội kinh tế từ APEC

Trong buổi họp báo ngày 9/10, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại Tuần lễ Cấp cao APEC cuối năm nay, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ chiếm tới 50% hoạt động trong sự kiện. Các sự kiện thường niên của APEC là Kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) và Đối thoại giữa ABAC với các lãnh đạo APEC. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội xúc tiến đầu tư khi gặp các lãnh đạo và CEO doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực, ông Lộc cho biết Việt Nam sẽ tổ chức thêm 2 sự kiện nữa.

Một là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS). Đây là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay. Nội dung chủ yếu của VBS là bàn bạc về cơ hội kinh doanh. Ông Lộc cho biết 20 CEO hàng đầu thế giới có thể tham gia phát biểu tại VBS. Hội nghị này sẽ tổ chức kết hợp với một triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư, với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành. Chủ đề của VBS năm nay là Việt Nam – đối tác kinh doanh tin cậy. Hội nghị sẽ thảo luận về 6 chủ đề, gồm Nông nghiệp bền vững và thông minh; Tài chính cho phát triển; Y tế và Giáo dục; Cơ sở hạ tầng; Đặc khu kinh tế; Khởi nghiệp và đổi mới – sáng tạo.

Sự kiện thứ hai là các cuộc đối thoại bên lề về thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Mục tiêu là tìm kiếm cơ hội hợp tác và bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp với các nước. Những việc này sẽ giúp nhân đôi giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp tại diễn đàn APEC, cũng như giá trị của Việt Nam khi đăng cai. Theo dự kiến, khoảng 1.200 lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 tới.

APEC năm nay diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới. Dù vậy, Việt Nam lại là “điển hình thành công của toàn cầu hóa”, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh. Việt Nam có quan điểm ủng hộ hội nhập, nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng tốt và sở hữu rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy vậy, các nền kinh tế APEC sẽ cần bàn bạc để tìm ra cách giúp toàn cầu hóa “mềm mại hơn, nhân văn hơn” để không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, APEC vẫn cần phát huy vai trò vườn ươm khởi nghiệp của thế giới, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, đồng thời nâng cao vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế. Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm nay đã thông báo kết quả kỳ họp lần 3 của ABAC tại Canada. Theo đó, các đại biểu đã đưa ra khuyến nghị tới lãnh đạo APEC về ưu tiên của doanh nghiệp trong khu vực. Nội dung chính gồm Thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; Tăng cường kết nối thể chế, hạ tầng và con người; Phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa – nhỏ – siêu nhỏ và phụ nữ tham gia kinh tế.

Theo Vnexpress

Cảnh báo mã độc Red Alert 2.0 tấn công chiếm tài khoản

Theo các ngân hàng, các chuyên gia về an toàn, an ninh thông tin, hiện tại có hơn 60 ứng dụng ngân hàng trực tuyến và mạng xã hội đang là mục tiêu tấn công của mã độc này. Một số tính năng chính của mã độc gồm: Đánh cắp thông tin xác thực, danh bạ và nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm khác; chặn tin nhắn SMS và có các kỹ thuật vượt qua xác thực bằng SMS OTP. Ngoài ra mã độc có thể giả mạo và hiển thị phủ lên trên giao diện ứng dụng hợp pháp đang chạy cũng như chặn các cuộc gọi đến từ ngân hàng nhằm không cho khách hàng nhận được cảnh báo tài khoản bị tấn công.

Cách thức lây nhiễm như sau: mã độc sẽ giả mạo các ứng dụng nổi tiếng, hợp pháp trên các kho cung cấp ứng dụng của Android như Watsapp, Viber, … trên các cửa hàng ứng dụng không chính thống của bên thứ ba hoặc dưới dạng cập nhật Flash Player giả mạo hoặc liên kết, tệp tin đính kèm trong email, tin nhắn SMS. Sau khi nhiễm vào ứng dụng di động, Red Alert 2.0 sẽ đợi người dùng mở ứng dụng Mobile Banking. Nếu phát hiện đây là ứng dụng có mô phỏng, Red Alert 2.0 sẽ giả mạo giao diện và hiển thị phủ lên trên giao diện ứng dụng Mobile Banking đang chạy, báo lỗi và yêu cầu người dùng đăng nhập lại. Sau đó mã độc sẽ ghi lại và gửi thông tin đăng nhập cho tin tặc để thực hiện giao dịch bất hợp pháp.

Theo các ngân hàng, mã độc này có thể vượt qua các công nghệ xác thực 2 yếu tố thông qua tính năng chặn tin nhắn trên thiết bị di động bị nhiễm mã độc. Do vậy các ngân hàng khuyến nghị người dùng chỉ tải ứng dụng từ kho chính thống như Play Store với Android và App Store với iOS. Người dùng không tải và cài đặt ứng dụng thông qua các kho lưu trữ, liên kết không rõ nguồn gốc, kiểm tra bản quyền ứng dụng trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào. Người dùng cũng không tùy tiện trả lời những câu hỏi yêu cầu thông tin người dùng, mật khẩu đăng nhập, thông tin thẻ, đặc biệt lưu ý thông điệp yêu cầu đó hiển thị dưới dưới dạng hình ảnh, hiển thị phủ nền trên nền ứng dụng đang chạy.

Nên cài đặt phần mềm phòng chống mã độc của nhà cung cấp có uy tín để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm đồng thời thường xuyên cập nhật hệ điều hành theo chính sách của hãng trên các thiết bị di động.

Theo Tuoitre

World Bank: Việt Nam có tốc độ tăng biên chế cao hơn tốc độ tăng dân số, 10 năm tăng lương 8 lần

Theo Đánh giá Chi tiêu công Việt Nam (báo cáo do World Bank phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam thực hiện), cơ cấu chi ngân sách nhà nước (NSNN) cũng thay đổi theo hướng chi thường xuyên chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Tỷ lệ so sánh giữa chi thường xuyên và đầu tư khoảng 70:30 trong giai đoạn 2011- 2015 so với 63:37 giai đoạn 2006 – 2010. hi thường xuyên tăng lên là do tăng chi cho các chính sách mới về an sinh xã hội, chi lương và phụ cấp, chi trả lãi các khoản vay. Tốc độ chi an sinh xã hội (không kể tiền lương) tăng bình quân 18%/năm (giai đoạn 2011 – 2015), cao hơn tốc độ tăng thu và chi ngân sách.

Trong giai đoạn 2009 – 2012, tỷ trọng chi lương so với GDP tăng từ 6,2% năm 2009 lên 7,3% năm 2012. Tốc độ tăng chi lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng chi bình quân, nâng tỷ trọng quỹ lương lên khoảng 20% tổng chi ngân sách. Quỹ lương tăng nhanh chủ yếu do tăng lương cơ sở (kể từ năm 2006 Chính phủ đã tăng lương cơ sở và phụ cấp 8 lần) và tăng biến chế. Lương cơ sở và phụ cấp tăng khoảng 12%, trong khi đó số lượng công chức và viên chức tăng nhanh, đặc biệt là số lượng cán bộ ở địa phương. Cá biệt, có năm tăng đến 20% do đưa cán bộ xã và giáo viên mầm non vào biên chế. Tốc độ tăng biên chế cao hơn tốc độ tăng dân số (1,1%). Mặc dù so sánh quốc tế cho thấy tỷ lệ chi lương cho công chức, viên chức của Việt Nam chưa quá cao nhưng xu hướng chi lương tăng nhanh cho thấy cần phải thận trọng. Do đó, cần phân tích thêm về diễn biến chi lương trước khi tiếp tục điều chỉnh tăng lương và biên chế của Chính phủ. Bên cạnh đó, chi trả nợ ngày càng trở thành gánh nặng lớn với ngân sách. Chi trả lãi tăng nhanh so với cả GDP và thu NSNN, chiếm khoảng 8% tổng thu (bao gồm cả viện trợ không hoàn lại) vào năm 2015, so với 4,3% năm 2010.Chi trả nợ bao gồm cả trả gốc đã tăng lên đến 15% thu NSNN trong năm 2015, đang tiệm cận dần đến ngưỡng an toàn và cho thấy những rủi ro ngày càng lớn cho ngân sách. Về chi đầu tư từ ngân sách, theo đánh giá, dù giảm tỷ trọng so với GDP và so với tổng chi tiêu của của Chính phủ nhưng vẫn duy trì ở mức cao so với khu vực và thế giới.

Nếu so với tổng đầu tư xã hội trong nền kinh tế, chi đầu tư từ ngân sách chiếm 29,1% trong giai đoạn 2011 – 2015, tăng nhẹ so với mức 28,4% của thời kỳ 2006 – 2010. Như vậy, có thể nói NSNN vẫn tiếp tục đóng góp lớn vào đầu tư hạ tầng công cộng.

Tỷ lệ chi đầu tư từ NSNN so với GDP ở Việt Nam vẫn duy trì ở mức khoảng 9% trong giai đoạn 2011 – 2015, thấp hơn Mông Cổ (13%) nhưng cao hơn đáng kể so với Indonesia (3,3%), Hàn Quốc (4,2%) và Singapore (6,1%). Tỷ lệ chi đầu tư so với tổng chi tiêu của Việt Nam cũng cao hơn so với các quốc gia này.

Theo CafeF