CUỘC HỒI SINH SAU “CƠN CHẤN ĐỘNG” 300.000 TỶ ĐỒNG

Sau 30 phút giao dịch đầu tiên, VN-Index đã tăng 31,54 điểm tương ứng 3,12% lên 1.043,14 điểm. VN30-Index cũng tăng 31,62 điểm tương ứng 3,14 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 3,69 điểm tương ứng 3,19% lên 119,33 điểm; HNX30-Index tăng 8,83 điểm tương ứng 3,98%. Trên sàn HSX có 226 mã tăng so với 27 mã giảm trong khi HNX có 111 mã tăng và chỉ có 30 mã giảm giá.

Các mã ngân hàng vẫn đang dẫn đầu xu hướng phục hồi: BID tăng 1.800 đồng, VCB tăng 2.300 đồng… Có đến 29 mã trong rổ VN30 tăng giá, ngoại trừ MSN vẫn đang giảm 1.000 đồng. Trước đó, thị trường đã có 2 phiên rơi tự do. Vốn hoá toàn thị trường bốc hơi gần 300.000 tỷ đồng. Giữa bối cảnh này, trên thị trường thậm chí còn lan truyền một biểu đồ tâm lý nhà đầu tư.

Biểu đồ thú vị về tâm lý nhà đầu tư được lan truyền trên mạng xã hội

Sự phục hồi mạnh mẽ ngay từ đầu phiên nhờ dòng tiền mạnh mẽ đổ vào thị trường đón xu hướng tăng. Chỉ trong hơn 30 phút đã có hơn 1.000 tỷ đồng đổ vào HSX và hơn 230 tỷ đồng đổ vào HNX. Không chỉ thị trường Việt Nam mà thị trường thế giới cũng đã cho thấy sự đảo chiều ngoạn mục. Tại thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones tăng 567 điểm, mức tăng cao nhất từ tháng 8/2015 và cao thứ 4 trong lịch sử giao dịch của sàn này.

Chứng khoán châu Á cũng tăng trở lại sau 2 ngày bán tháo. Topix và Nikkei 225 của Nhật Bản lần lượt tăng 3,2% và 3,1%; Kospi của Hàn Quốc tăng 0,9%; Hang Seng của Hong Kong tăng 0,5%…Xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia tối qua, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông Trần Văn Dũng cho biết, mặc dù thị trường giảm mạnh như vậy nhưng thanh khoản thị trường không hề sụt giảm trong 2 ngày qua, thậm chí còn rất tốt.

Giá trị giao dịch trong ngày 6/2 đạt trên 17 nghìn tỷ đồng trên cả hai sàn HOSE và HNX và ngay cả trong ngày thứ 2 giảm mạnh thì nước ngoài vẫn mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu và mua ròng hơn 273 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu.Đây là dòng vốn nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến hết tháng 1/2018, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trên thị trường cổ phiếu chứng chỉ quỹ với tổng giá trị trên 9.600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng trái phiếu….

Trong bối cảnh như vậy, có thể nói sự nhạy cảm của thị trường chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài tâm lý chung của thị trường chứng khoán thế giới. “Trong lúc này, tôi mong nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh giao dịch theo tâm lý đám đông trong bối cảnh thị trường thế giới giảm điểm. Nền tảng vĩ mô của nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn rất tích cực. Do đó, thị trường vẫn được kỳ vọng phát triển bền vững trong năm nay”, ông Dũng đưa ra khuyến nghị.

Theo Dantri

BÁN THÁO Ồ ẠT, VỐN HÓA THỊ TRƯỜNG ‘BỐC HƠI’ THÊM 220.000 TỶ ĐỒNG

“Giẫm đạp lên nhau mà chạy” là câu nói được nhắc nhiều nhất hiện giờ trên các diễn đàn về chứng khoán sáng nay (6/2). Không nằm ngoài dự đoán của một số chuyên gia, trạng thái tiêu cực tiếp tục diễn ra ngay trong đầu phiên sáng khi nhà đầu tư quyết tâm bán bằng mọi giá. Dù tiền từ nhà đầu tư liên tục đổ vào thị trường để bắt đáy tạo ra vài nhịp hồi nhẹ trong phiên, song lực bán quá lớn khiến đà giảm không thể thu hẹp. Chốt phiên sáng ngày 6/2, VN-Index giảm gần 62 điểm, tương đương gần 6%, còn 987 điểm, trên sàn Hà Nội HNX-Index mất gần 7% còn UPCOM-Index giảm 5,25%.

Thanh khoản của thị trường đạt gần 7.000 tỷ đồng, tăng 40% so với ngày hôm qua, với các lệnh mua lớn quét tại mức giá sàn của một số cổ phiếu bluchip. Tuy nhiên, lực bán sau đó gia tăng đã ép nhiều cổ phiếu trở lại tình trạng “trắng bảng bên mua”. Thị trường thể hiện sự chênh lệch rõ ràng khi chỉ có 64 mã tăng giá nhưng có tới 614 mã giảm giá, hơn 200 mã cổ phiếu giảm sàn. Sau 15 phút mở cửa thị trường, VN-Index đã ghi nhận mức giảm gần 6%, tương đương 62,3 điểm xuống còn 966,41 điểm. VN30-Index, đại diện cho nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm tương đương xuống còn 972,58 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm gần 6% còn 112 điểm. Vốn hóa của sàn HoSE chốt phiên hôm qua (5/2) là 2,84 triệu tỷ, đến đầu giờ sáng nay đã bốc hơi 170.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 6%. Sàn HNX và UPCoM mất lần lượt 6,6% và 5% giá trị vốn hóa. Tổng thị trường đã giảm hơn 218.000 tỷ đồng tính tới 9h40 sáng nay.

Trước đó, trao đổi với VnExpress chiều 5/2, ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng nhóm Phân tích thị trường vốn, khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng đà giảm mạnh có thể sẽ tiếp tục tái diễn trong phiên 6/2 khi các công ty chứng khoán bán cổ phiếu thu hồi khoản vay (call margin) của nhà đầu tư. Trong bản tin chiều tối qua, nhiều công ty chứng khoán đã khuyến nghị nhà đầu tư nên cẩn trọng tham gia thị trường lúc này khi rủi ro đang lên rất cao. Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV nhận định thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong những phiên sắp tới khi mà tâm lý chung các nhà đầu tư đang rất hoang mang. Công ty chứng khoán Bảo Việt đánh giá áp lực bán tăng mạnh trên toàn thị trường dự kiến vẫn sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên sắp tới, khiến rủi ro điều chỉnh của thị trường chung ở mức cao.

Thị trường không còn điểm để nhà đầu tư bấu víu khi ngay trong nhóm VN30, tất cả 30 cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ với 7 mã giảm sàn. Một loạt cái tên lớn trên thị trường như Bảo Việt, VietinBank hay Masan đều ở tình trạng “trắng bảng bên mua”. Thanh khoản thị trường chỉ ở ngưỡng 2.000 tỷ đồng sau những phút mở cửa phần nào cho thấy tâm lý thận trọng. “Nhà đầu tư sẽ không quyết định xuống tiền nếu biết thị trường sẽ còn tiếp tục giảm, trong khi người bán vẫn đang quyết tâm bán bằng mọi giá”, một chuyên gia nhận định.

Theo Vnexpress

17 TỶ USD BỊ “ĐÁNH BAY” KHỎI THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM

Đáng nói là dẫn đầu làn sóng giảm giá này lại là các mã lớn, qua đó khiến VN30-Index mất 60,02 điểm tương ứng 5,8% và VN-Index cũng bị “thổi bay” 61,61 điểm tương ứng 5,87% về mức 987,1 điểm. BID, GAS, MSN, SSI, ROS, PLX, và thậm chí là cả VIC cũng giảm sàn.

Với mức giảm gần 6%, các chỉ số của sàn HSX gần như đi ngang trong suốt phiên sáng. Trong khi, HNX-Index cũng giảm rất mạnh 6,95 điểm tương ứng 5,85% và HNX30-Index “bốc hơi” 16,74 điểm tương ứng 7,19%. Trên thị trường vẫn có 40 mã tăng giá, 10 mã tăng trần, hầu hết là mã nhỏ. NVL là mã duy nhất trong rổ VN30 trụ lại được, tăng giá nhẹ 100 đồng lên 81.700 đồng. Các tính toán ban đầu cho thấy, trong sáng nay, vốn hoá toàn thị trường đã giảm hơn 218.000 tỷ đồng (hơn 9 tỷ USD). Và như vậy, tính cả phiên hôm qua đến nay, chứng khoán Việt Nam đã bị đánh bay khoảng 17 tỷ USD.

Sáng nay, cùng với thị trường Việt Nam, các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng đồng loạt giảm sâu. Hang Seng của Hồng Koong lao dốc 1.385,4 điểm tương ứng 4,3%; Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1.194,2 điểm; Kospi của Hàn Quốc giảm 72,39 điểm tương ứng 2,91%… Đà bán tháo đang lan rộng trên quy mô toàn cầu đối với tài sản cổ phiếu. Dow Jones đã sụt giảm hơn 1.100 điểm và S&P 500 ghi nhận phiên giao dịch tồi tệ nhất trong 6 năm. Lực bán tháo khiến không mã nào trong nhóm VN30 trụ lại được mức giá tham chiếu. VN30-Index trong 30 phút đầu tiên đã mất hơn 60 điểm (5,81%), qua đó kéo VN-Index cũng mất 59,13 điểm (5,64%) và “xuyên thủng” mốc 1.000 điểm. Đáng lo ngại là biên độ giảm vẫn đang tiếp tục giãn ra. Trước đó, vào phiên hôm qua, vốn hoá thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị “thổi bay” 8 tỷ USD với mức sụt giảm kỷ lục kể từ sự kiện biển Đông năm 2014.

Hàng loạt bluechips như VIC, GAS, PLX, MSN, BVH, VJC, HPG….nằm sàn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm giá “thảm khốc” với CTG, VCB chuyển màu xanh xám, BID mất gần 1.000 đồng, MBB mất 1.900 đồng. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng mất hơn 5,5% và HNX30-Index mất gần 7%. PGS, PVC, PVS giảm sàn, hầu hết cổ phiếu trong HNX30 cũng đều giảm giá. Tuy nhiên, giữa lúc thị trường chìm ngập trong “sắc đỏ” thì vẫn có những mã cổ phiếu “kiên cường” đi ngược lại đám đông. HGM, ARM, LCS, MEC, MCO “tím” giá trần trên HNX; COM, GTA, PJT… cũng tăng trần trên HSX. Dù vậy, thanh khoản các mã này khá thấp.

Lý giải cho hiện tượng điều chỉnh mạnh trên thị trường, ông Đỗ Bảo Ngọc từ Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) cho biết, thị trường đã có thời gian tăng khá mạnh trong 2 tháng trở lại đây, nhiều mã bluechip đã tăng trong khoảng 50% – 60%. Với mức tăng cao như thế, nhu cầu chốt lời cũng cao và rơi vào thời điểm cuối năm trước kỳ nghỉ lễ. Bên cạnh đó, tâm lý nhà đầu tư bị tác động mạnh do TTCK toàn cầu. Theo đó, TTCK Mỹ trong phiên thứ sáu tuần trước đã giảm hơn 600 điểm. Cùng với đó, dòng vốn ngoại thời gian gần đây chững lại và có dấu hiệu bán ròng nhẹ. Đây là các yếu tố khiến nhà đầu tư có nhu cầu bán và chốt lời mạnh hơn.

Một lý do không thể không nhắc đến đó là trong quá trình thị trường tăng điểm, có tích tụ lượng margin lớn. Do đó, khi thị trường giảm mạnh, điều này kéo theo hiện tượng cắt margin và càng làm áp lực giảm lớn hơn. Tổng hòa các yếu tố này khiến thị trường giảm điểm rất mạnh.

Theo Dantri

UBCKNN YÊU CẦU CÁC CÔNG TY CHỨNG KHOÁN KHÔNG ĐƯỢC TƯ VẤN, MÔI GIỚI, PHÁT HÀNH GIAO DỊCH TIỀN ẢO

Hiện nay một số công ty trên thị trường có hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) bao gồm tiền kỹ thuật số (cryptocurrency), huy động vốn thông qua phát hành tiền kỹ thuật số (ICO) và các sản phẩm khác như quỹ cộng đồng (crowdfunding), nền tảng cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending), công nghệ chuỗi khối (blockchain)…

Theo UBCKNN, đây là sản phẩm mới chưa được pháp luật điều chỉnh nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, cơ quan này khuyến cáo các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào các sản phẩm mới trên để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.

Đồng thời yêu cầu các công ty đại chúng hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về phát hành, huy động vốn, công bố thông tin… đối với các sản phẩm mới trên.

Đặc biệt, trong khi chờ cấp có thẩm quyền ban hành khuôn khổ pháp lý cho các sản phẩm mới này, UBCKNN yêu cầu các tổ chức kinh doanh chứng khoán không tham gia các hoạt động tư vấn, môi giới, phát hành, giao dịch tiền kỹ thuật số cũng như các sản phẩm công nghệ tài chính khác và tuân thủ các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Theo CafeF

NHNN YÊU CẦU HẠN CHẾ TÍN DỤNG CHO BẤT ĐỘNG SẢN, TẬP TRUNG CHO SẢN XUẤT KINH DOANH

Cụ thể, để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững theo đúng chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN. Mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Why does the problem of reducing ocean plastic waste need a global treaty?

Đáng chú ý, NHNN yêu cầu hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng, cân đối nguồn vốn, sử dụng vốn để cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản; Thường xuyên rà soát, đánh giá và theo dõi tiến độ của các dự án bất động sản, năng lực tài chính của khách hàng, khoản tín dụng và tài sản bảo đảm để có biện pháp xử lý thích hợp. Đồng thời kiểm soát tốt chất lượng tín dụng tiêu dùng; nâng cao hiệu quả công tác xét duyệt hồ sơ, đặc biệt là các điều kiện vay vốn để hạn chế rủi ro phát sinh; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn cho vay tiêu dùng nhưng thực chất là để đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán.

Cùng với đó, kiểm soát chặc chẽ tốc độ tăng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán để hạn chế rủi ro và phù hợp với các quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 về quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD và các quy định phát luật khác có liên quan.

Chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực ưu tiên gồm: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo CafeF

SẮP KÝ HIỆP ĐỊNH THƯƠNG MẠI TỰ DO GIỮA VIỆT NAM VỚI 4 NƯỚC CHÂU ÂU

Nội dung trên được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Ủy viên Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ Johannin Ammann cho biết tại cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị WEF Davos 2018 đang diễn ra tại Thuỵ Sĩ.

Việt Nam có vị thế quan trọng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và ông Johannin Ammann cùng bày tỏ vui mừng khi gặp lại nhau bên lề Hội nghị WEFDavos 2018, đồng thời cùng đánh giá quan hệ ngoại giao Việt Nam- Thụy Sĩ đang phát triển tốt đẹp, hợp tác kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực. Ông Johann Schneider-Amman nhắc lại những kỷ niệm về đất nước và con người Việt Nam năng động, mến khách, đã để lại ấn tượng sâu sắc khi sang thăm Việt Nam năm 2013 và cho biết sẽ thăm lại Việt Nam trong thời gian tới. Ông Johann Schneider-Amman khẳng định Thụy Sĩ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam là nước có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Nhằm đưa hợp tác kinh tế hai bên phát triển thực chất, hiệu quả, hai bên bày tỏ mong muốn đẩy nhanh việc thống nhất các quan điểm để đi tới ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khối EFTA (gồm 4 nước Thuỵ Sỹ, Liechtenstein, Na Uy và Iceland) trong 6 tháng đầu năm 2018. “Là một nước quan trọng, có vai trò dẫn dắt trong khối EFTA, chúng tôi mong muốn Thụy Sĩ góp tiếng nói chung để hai bên sớm đi tới hoàn tất các vòng đàm phán” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh hội nhập quốc tế về kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam đã là thành viên của hơn 10 FTA có tính chất toàn cầu và khu vực.

Trong năm 2018, Việt Nam và các bên sẽ kết thúc đàm phán Hiệp định tự do thương mại xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định tự do thương mại Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) là những hiệp định tự do thương mại có tiêu chuẩn rất cao và khắt khe về năng lực thực thi chính sách. Việc hợp tác thương mại, đầu tư với Khối EFTA đều là để thực thi đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế rộng mở của Việt Nam. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc Việt Nam và khối EFTA tham gia trong một FTA chung cần bảo đảm lợi ích cân bằng, hướng tới sự phát triển bền vững cho hai bên.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp xúc với tân Chủ tịch điều hành WEF Borge Brende, nguyên là Ngoại trưởng Nauy – một nền kinh tế thành viên của EFTA. Ông Borge Brende cho biết, một Hiệp định thương mại tự do của EFTA với Việt Nam là cơ hội cho sự phát triển mới của các bên liên quan. Với tư cách là Chủ tịch điều hành WEF, ông Borge Brende bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ với các xu hướng hợp tác, liên kết kinh tế duy trì hệ thống thương mại tự do toàn cầu, trong đó có việc đàm phán và đi tới ký kết, thực thi Hiệp định thương mại Việt Nam- EFTA.

9 năm đàm phán

Được biết từ năm 2009, trên cơ sở tiềm năng hợp tác kinh tế giữa khối EFTA và Việt Nam cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và khối EFTA đã nhất trí sẽ nâng tầm hợp tác kinh tế hai bên thông qua thảo luận một FTA giữa Việt Nam và khối EFTA.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo hai bên, Việt Nam và khối EFTA đã tiến hành nghiên cứu về tình hình thương mại đầu tư, hệ thống pháp luật của các nước tham gia, đánh giá về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc khối EFTA, đồng thời xem xét quan điểm về đàm phán FTA của mỗi bên, từ đó đánh giá cơ hội và thách thức của mỗi bên trong trường hợp hai bên đàm phán ký kết FTA. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu chung của hai bên đã thống nhất các nội dung của bản Báo cáo tổng hợp, chỉ rõ với cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung mạnh mẽ lẫn nhau, việc ký kết FTA sẽ mang lại những lợi ích cho cả hai bên.

Được sự phê duyệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, qua một quá trình làm việc, nghiên cứu và thảo luận cùng với khối EFTA và các đơn vị và tổ chức trong nước có liên quan, Bộ Công Thương thay mặt Chính phủ Việt Nam cùng với khối EFTA tuyên bố chính thức khởi động đàm phán FTA giữa Việt Nam và khối EFTA.

Vào ngày 3/7/2012, khối EFTA đã cùng Việt Nam ký Biên bản ghi nhớ về việc các nước này công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường trong bối cảnh hai bên khởi động đàm phán FTA. Quyết định này thể hiện sự công nhận của khối EFTA đối với các nỗ lực đổi mới nền kinh tế của Việt Nam cũng như mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại thông qua việc đàm phán và ký kết FTA giữa hai bên. Tổng thống Thụy Sĩ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc gặp bên lề Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos tháng 12/2016 cũng đã khẳng định mục tiêu sớm kết thúc đàm phán Hiệp định này. Tính tới nay, hai bên đã có 15 phiên đàm phán, gần nhất là phiên đàm phán diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 9/2017. Theo Bộ Công Thương Việt Nam, phiên đàm phán thứ 16 sẽ diễn ra vào tháng 5/2018 tại Nauy.

Theo Dantri

Cải tổ cơ cấu kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Một số nghiên cứu cho rằng chính sách quản lý cầu không sai nhưng khi sử dụng chính sách quản lý tổng cầu kiểu Keynes cần ý thức rằng đó là chính sách mang tính ngắn hạn và nhất thời không thể sử dụng lâu dài và triền miên. Việc sử dụng chính sách này triền miên suốt từ 2007 đến nay khiến nền kinh tế Việt Nam rơi vào vòng xoáy lạm phát – suy trầm và vòng xoáy này ngày càng nhỏ khiến cả phía cung và phía cầu của nền kinh tế đều yếu. Ngay cả vấn đề lạm phát nếu được giải quyết thì cũng chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, nguyên nhân sâu xa là do hiệu quả sản xuất, hiệu quả đầu tư thấp và cơ cấu kinh tế lệch lạc.

Trong thời gian qua, hầu hết các chuyên gia và các nhà tư vấn chính sách của Việt Nam tập trung vào chính sách quản lý cầu, hoặc kích thích tăng trưởng thông qua nới lỏng hoặc thắt chặt tiền tệ để ngăn cản sự gia tăng của giá cả. Các nhà hoạch định và các chuyên gia tập trung quá mức vào chỉ tiêu mang tính ngắn hạn là GDP mà bỏ qua các yếu tố khác mang tính dài hạn như tổng thu nhập quốc gia (GNI), tổng thu nhập quốc gia khả dụng (GNDI – Gross National Disposable Income) và tiết kiệm (saving). Thậm chí cơ quan thống kê cũng không cần tính toán và công bố những số liệu về tổng thu nhập quốc gia khả dụng và tiết kiệm theo từng khu vực thể chế do không có nhu cầu sử dụng. Tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam qua các giai đoạn cho thấy mức độ lan tỏa của các nhân tố của cầu cuối cùng đến sản xuất và thu nhập dường như ủng hộ nhận định trên, nghiên cứu chỉ ra cấu trúc của nền kinh tế đang có chiều hướng thay đổi chuyển từ trường phái Keynes, tăng cầu sẽ làm tăng cung sang hướng tăng cầu tuy làm tăng sản lượng ở phía cung nhưng không làm tăng thu nhập.

Nếu tăng cầu ở tiêu dùng cuối cùng do mở rộng tín dụng có thể dẫn đến rủi ro về nợ xấu, lạm phát, tăng cầu ở chi tiêu chính phủ có thể dẫn tới bội chi ngân sách, cầu đầu tư tăng lên mà sử dụng hiệu quả đầu tư thấp hoặc vì những mục đích phi kinh tế có thể làm tăng GDP ở thời điểm đó nhưng không mang lại hiêu quả gì cho chu kỳ sản xuất sau. Điều này có thể dẫn đến nợ nần và cũng là nguyên nhân sâu xa của lạm phát, nghiên cứu cũng cho thấy xuất khẩu hàng hóa càng ngày càng lan tỏa ít đến thu nhập mà chỉ lan tỏa đến nhập khẩu và nguy cơ về ô nhiễm là cực lớn.

Nghiên cứu cũng cho thấy trong thời gian qua tuy tăng trưởng tương đối cao nhưng chất lượng tăng trưởng chưa thực sự tốt và yếu tố môi trường gần như bị bỏ qua. Tăng trưởng về lượng khí thải nhà kính luôn cao hơn mức tăng trưởng kinh tế 2 – 5%. Cấu trúc ngành và liên ngành có dấu hiệu ngày càng gây bất lợi cho tăng trưởng bền vững, ngày càng gây bất ổn vĩ mô và ô nhiễm môi trường

Khuyến nghị:

Cần có chính sách nhất quán và hài hòa không chỉ giữa các khu vực thể chế như doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực hộ gia đình, mà còn phải nhất quán và bằng phẳng giữa các doanh nghiệp trong cùng một loại hình thể chế. Nhóm ngành nông lâm thủy sản có tất cả các chỉ số về kinh tế như độ lan tỏa, độ nhạy đến sản xuất và giá trị tăng thêm rất tốt nhưng cũng là nguyên nhân cơ bản gây nên phát thải nhà kính. Nhóm ngành này cần nguồn lực về chính sách, vốn, lao động chất lượng cao để tiến tới nền nông nghiệp xanh.

Kết quả nghiên cứu tương đồng với nghiên cứu của tác giả Nguyễn Hồng Sơn trong nghiên cứu về “Dịch vụ Việt Nam 2020: Hướng tới chất lượng, hiệu quả và hiện đại”, khi nhóm ngành dịch vụ lan tỏa tốt đến thu nhập và ít gây phát thải nhà kính, nhưng có chỉ số lan tỏa tới giá trị sản xuất và độ nhạy hơi thấp. Nếu chỉ số lan tỏa và độ nhạy của nhóm ngành này tăng lên không những tăng trưởng cao, có chất lượng và bền vững. Để chỉ số lan tỏa và độ nhạy tăng cần có chính sách ưu tiên cụ thể thực chất cho những ngành sản xuất sản phẩm phụ trợ trong nước, đặc biệt những ngành sản xuất sản phẩm phụ trợ cho đầu vào của các ngành dịch vụ.

Nghiên cứu cho thấy nguồn lực quan trọng nhất để phát triển bền vững và nhanh chính là “nguồn lực chính sách”. Nếu tăng trưởng GDP bằng mọi giá không cần đến bất ổn vĩ mô như nợ nần, bội chi và môi trường bị hủy hoại thì nghiên cứu này không có ý nghĩa. Cần có chính sách linh hoạt trong ứng xử với các nhân tố của cầu cuối cùng. Trong nghiên cứu này cho thấy ở thời điểm hiện nay xuất khẩu không lan tỏa nhiều đến giá trị tăng thêm mà chỉ lan tỏa tới nhập khẩu và phát thải GHG (52% trong tổng phát thải nhà kính) lớn nhất trong các nhân tố của cầu cuối cùng.

Theo CafeF

Tăng trưởng kinh tế năm 2017 vượt 6,8%

Chiều 27/12 Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội năm 2017.

Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO – Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết, GDP cả năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Trong đó quý I tăng 5,15%, quý II là 6,28%; quý III 7,46% và quý IV tăng 7,65%. Quy mô nền kinh tế đạt trên 5 triệu tỷ đồng, GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Đóng góp chủ yếu vào mức tăng 6,81% là khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phục hồi tăng 2,9% (cao hơn mức 1,36% năm 2016), góp 0,44 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ 7,44% góp 2,87 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung nền kinh tế.

Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2017, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,35% so với năm 2016, góp 5,52 điểm phần trăm; tích luỹ tài sản tăng 9,8%, góp 3,3 điểm phần trăm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,21% so với tháng trước. Tính chung cả năm, CPI đã tăng 3,53% so với cuối năm 2016, thấp hơn kế hoạch 4% được phê duyệt. Cũng theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu đạt 213,77 tỷ USD tăng 21,1% so với năm trước, là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua. Trong đó, khu vực Nhà nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (cả dầu thô) là 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 211,1 tỷ USD. Cả nước xuất siêu 2,7 tỷ USD trong năm.

Ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, Hàn Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất, chủ yếu do Samsung mở rộng sản xuất nên nhu cầu nhập khẩu máy móc tăng cao. Năm 2017 cũng là năm đánh dấu sự tăng trưởng nhanh về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, khi cả nước có khoảng 120.000 doanh nghiệp ra đời với số vốn đăng ký gần 1,3 triệu tỷ đồng.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của năm 2017 khi đạt gần 36 tỷ USD và vốn thực hiện 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Tuy nhiên, ông Lâm cũng cảnh báo, chênh lệch năng suất lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng với các nước dù đạt 4.159 USD năm nay. Trong các nước ASEAN, năng suất lao động Việt Nam hiện thấp hơn Lào.

Theo Vnexpress

Tỷ giá USD/VND và đột phá lịch sử 2017

Năm 2016, vào kỳ cao điểm, tổng giám đốc một ngân hàng nước ngoài từng dự báo khi trao đổi với VnEconomy: tỷ giá USD/VND và hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ sớm làm quen với những giao dịch lô lớn cỡ 500 triệu USD, thậm chí lớn hơn nữa và tần suất dày hơn nữa.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải chủ động cân đối sức hấp thụ của hệ thống và đặc biệt “phòng ngừa” phản ứng của tỷ giá USD/VND. Chủ động, vì lịch sử từng nhiều lần cho thấy sự mong manh. Khi xuất hiện giao dịch cỡ vài trăm triệu USD, tỷ giá và các chủ thể trên thị trường, ngay cả tâm lý dân cư sau đó cũng đã có thể chộn rộn. Nhưng nay, 2017 đã cho thấy khác biệt lớn.

Xử êm hơn chục tỷ USD

Quy mô 500 triệu USD như trên trở nên khiêm tốn trong một số giao dịch xuất hiện năm 2017. Các thành viên tham gia thị trường liên ngân hàng vừa chứng kiến những con số lớn hơn nhiều lần chỉ trong một ngày giao dịch. Lãnh đạo phụ trách kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng lớn cho VnEconomy biết, đến cuối tuần qua, với loạt giao dịch rất lớn, chưa từng có trong lịch sử, quy mô nguồn lực dự trữ ngoại hối Việt Nam đã được Ngân hàng Nhà nước nâng cao kỷ lục, mà cá nhân ông quan sát và ước tính có thể đã vượt xa mốc 50 tỷ USD.

“Quả thực nhiều năm trong ngành, và cả trong tương lai, hiếm khi chúng ta được chứng kiến dòng chảy lớn đến như vậy, hàng tỷ USD chỉ trong một ngày. Ngân hàng Nhà nước mua êm, thị trường ổn định”, vị lãnh đạo trên nói. Êm, vì như “phản ứng tự nhiên”, bao năm qua cứ mỗi khi thị trường xuất hiện nhu cầu hoặc giao dịch ngoại tệ lớn, tỷ giá USD/VND gần như có phản ứng tức thì, rung lắc, thậm chí châm ngòi cho những đợt biến động. Mà qua mỗi bận như vậy, người dân, doanh nghiệp và cả ngân hàng lại chộn rộn. Nay, hàng loạt giao dịch lớn, ước tính cả năm Ngân hàng Nhà nước mua ròng hơn chục tỷ USD, có những “enter” vài tỷ mà tỷ giá và thị trường không có biểu hiện xao xuyến (tác động của mua ngoại tệ đến các cân đối khác là khía cạnh khác và dài hơi hơn).

Như cách nói của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị TPBank khi toạ đàm với nhân viên cuối tuần qua: với lãi suất và tỷ giá, năm 2016 và 2017 các ngân hàng thương mại đã rảnh tay để tập trung làm việc tốt hơn, không phải lo lắng và cả luồn lách với biến động như những năm trước. Tỷ giá USD/VND có một năm êm đềm như 2017, chính doanh nghiệp cũng rảnh tay để tập trung sản xuất kinh doanh, thay vì mất thời gian, chi phí phập phồng với rủi ro tỷ giá.

Câu trả lời trước áp lực

Hàng tỷ USD giao dịch trong ngày vừa qua có bóng dáng những cuộc thoái vốn lớn của Nhà nước, như tại Vinamilk và Sabeco. Nhưng đây chỉ là một cấu phần trong đột phá của dự trữ ngoại hối năm nay.

Đơn cử như tuần qua, “dự cảm” về quy mô gần 5 tỷ USD bắt đầu chuyển đổi từ thương vụ tỷ phú Thái Lan mua cổ phần Sabeco, một số ngân hàng đã chủ động đi trước và bán trước. Chỉ riêng bước đi trước này cũng đã tạo nên “ngày tỷ đô” trong chuỗi mua ròng của Ngân hàng Nhà nước. Tính chung, tổng lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng năm 2017, qua các thông tin cập nhật gần đây, cũng như tham khảo tính toán của một số thành viên lớn trên liên ngân hàng, có thể đạt quanh 12 tỷ USD.

Con số ước tính trên nói lên nhiều điều.

Thứ nhất, nó phản ánh cân đối ngoại tệ của nền kinh tế đã tốt hơn (đặc biệt trong xuất nhập khẩu); phản ánh kết quả thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam mạnh mẽ. 2017 cũng nổi bật ở dòng đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán, qua các cuộc thoái vốn Nhà nước quy mô lớn nói trên, cũng như điển hình ở loạt IPO của một số ngân hàng thương mại, qua giao dịch sôi động trên sàn niêm yết…

Thứ hai, quan trọng hơn ở khía cạnh điều hành chính sách tiền tệ, so sánh tại các thời điểm, cũng như dự kiến cả năm nay, lượng ngoại tệ Ngân hàng Nhà nước mua ròng sẽ vượt xa mức độ thặng dư của cán cân tổng thể. 2017 là năm thứ hai liên tiếp thể hiện điều này. Nó cho thấy, một lượng lớn ngoại tệ trong dân cư đã được chuyển hóa. Nói cách khác, nguồn lực ngoại tệ găm giữ trong dân cư thay vì huy động và vay mượn nhiều năm trước, đến nay đã tự chuyển hóa, góp phần gia tăng tiềm lực quốc gia qua quy mô đột phá của dự trữ ngoại hối; tương ứng là nguồn vốn VND qua chuyển hóa đi vào tiêu dùng, đầu tư và sản xuất kinh doanh… Quá trình chuyển hóa trên từng chịu áp lực lớn và thử thách từ thượng tầng, trong điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước.

Đó là, 2016 và liên tục trong 2017, Thủ tướng Chính phủ nhiều lần đề cập, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xem xét triển khai huy động ngoại tệ và vàng, để khai thác nguồn lực này trong dân cư. Trên diễn đàn Quốc hội, hay trong dòng chảy thông tin kinh tế tại nhiều thời điểm, yêu cầu đó cũng nhiều lần đặt ra. Tuy nhiên, cho đến nay, nhà điều hành chính sách tiền tệ vẫn nhất quán con đường đã chọn: chuyển hóa nguồn lực chứ không huy động theo hướng vay mượn.

Đến nay, quy mô dự trữ ngoại hối ước tính đã tạo được bước đột phá lịch sử và dự kiến vượt xa mốc 50 tỷ USD, tỷ giá USD/VND ổn định, tình trạng đầu cơ găm giữ ngoại tệ đã hạn chế, thị trường vàng bốn năm liền không phải chi một đồng ngoại tệ nào nhập vàng về để bình ổn, giá trị đồng tiền Việt Nam củng cố qua lạm phát được kiểm soát ở mức thấp… đang là câu trả lời từ lựa chọn đó.

Theo CafeF

Tiền lương, mức đóng BHXH thay đổi từ 1/1/2018 người lao động cần biết

Cụ thể, 7 thay đổi từ ngày 1/1/2018 như sau:

1.Tăng mức lương tối thiểu vùng

Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng (tăng 230.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.750.000 đồng/tháng).

Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng so với quy định hiện hành là 3.320.000 đồng/tháng).

Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng (tăng 190.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.900.000 đồng/tháng).

Vùng IV: 2.760.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng so với quy định hiện hành là 2.580.000 đồng/tháng).

2. Thêm đối tượng bắt buộc tham gia BHXH

Bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng;Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Điều này đồng nghĩa với người lao động làm việc bán thời gian hoặc thời vụ mà có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động nước ngoài bắt buộc phải tham gia BHXH.

Quy định trên văn bản là vậy, tuy nhiên, vừa rồi, tại buổi tập huấn về chính sách mới BHXH, BHYT, BHTN của cơ quan BHXH thì có thông báo rằng, từ 1/1/2018, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, chờ đến khi BHXH Việt Nam có hướng dẫn mới.

3. Tăng tiền lương tháng đóng BHXH

Tiền lương tháng đóng BHXH từ ngày 1/1/2018 trở đi bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Khoản tính đóng BHXH Khoản không tính đóng BHXH

1. Mức lương

2. Phụ cấp lương

Là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như:

– Phụ cấp chức vụ, chức danh;

– Phụ cấp trách nhiệm;

– Phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

– Phụ cấp thâm niên;

– Phụ cấp khu vực;

– Phụ cấp lưu động;

– Phụ cấp thu hút

– Các phụ cấp có tính chất tương tự.

1. Các khoản chế độ và phúc lợi khác:

– Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động,

– Tiền thưởng sáng kiến;

– Tiền ăn giữa ca;

– Các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ;

– Khoản hỗ trợ khi NLĐ có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của NLĐ, trợ cấp cho NLĐ gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị TNLĐ, BNN và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác ghi thành mục riêng trong hợp đồng lao động theo khoản 11 Điều 4 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP.

4. Kéo dài thời gian tính mức lương hưu hằng tháng

Đối với nam: Mức lương hưu hằng tháng = 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 16 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2018), 17 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2019), 18 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2020), 19 năm (nếu nghỉ hưu vào năm 2021), 20 năm (nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi) + 2% cho mỗi năm.

Đối với nữ: Mức lương hưu hằng tháng = 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm (nếu nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi) + 2% cho mỗi năm.

Mức tối đa = 75%.

5. Sa thải trái pháp luật đối với NLĐ, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc có thể bị phạt đến 3 năm tù.

Cụ thể, sa thải trái pháp luật đối với NLĐ, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc có thể bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm,.

Nếu sa thải trái pháp luật, cưỡng ép, đe dọa buộc NLĐ phải thôi việc thuộc một trong các trường hợp sau, có thể bị phạt tiền từ 100 đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 3 năm: Đối với 2 người trở lên; Đối với phụ nữ mà biết là có thai; Đối với người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi;

Làm người bị buộc thôi việc, người bị sa thải tự sát;Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác

6. Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ có thể bị phạt tù đối với cá nhân, phạt tiền đối với pháp nhân

Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ mà gian dối hoặc dùng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ từ 6 tháng trở lên, đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 đến 300 triệu đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 NLĐ.

Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 200 đến dưới 500 triệu đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200 đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng năm đến 3 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Trốn đóng bảo hiểm từ 300 triệu đến 1 tỷ đồng; Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người; Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định trên.

Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của NLĐ quy định trên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm.

Nếu pháp nhân phạm tội thì bị phạt tiền từ 1 đến 3 tỷ đồng;

7. Vi phạm quy định về sử dụng NLĐ dưới 16 tuổi có thể bị phạt đến 12 năm tù

Người nào sử dụng NLĐ dưới 16 tuổi làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với chất độc hại theo danh mục mà Nhà nước quy định thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30 đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 7 năm: Phạm tội 2 lần trở lên; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm: Làm chết 2 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 đến 50 triệu đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm./.

Theo CafeF

Cắt 8 điều kiện kinh doanh xây dựng

Đối với các lĩnh vực kinh doanh có điều kiện do Bộ Xây dựng quản lý, Bộ này đề xuất bãi bỏ: 41,3%; đơn giản hóa 43,7% và chỉ đề xuất giữ nguyên 15% điều kiện kinh doanh hiện hành.

Di chuyển toilet cũng phải xin giấy phép!

Dù đánh giá cao tinh thần cải cách của Bộ Xây dựng nhưng ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, dự thảo vẫn còn những điểm cần phải xem xét thận trọng. Bởi vì, chỉ một “chữ” trong Luật thôi cũng tác động rất lớn đến doanh nghiệp. “Ví như về giấy phép xây dựng chẳng hạn. Chỉ riêng việc sửa cái toilet, chuyển toilet từ vị trí nọ sang vị trí kia cũng phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. Cái đó nằm trong đất nhà người ta, không vi phạm đến nhà khác, không vi phạm mặt tiền, mật độ xây dựng vẫn thế, không vi phạm chiều cao thì làm sao phải điều chỉnh giấy phép?”, ông Hiệp nói.

“Trong cùng một dự án, nhưng thủ tục thẩm định PCCC, thẩm định thiết kế, thẩm định về môi trường phải thực hiện ở 3 cơ quan khác nhau. Những bất cập này trong thủ tục hành chính đang làm khó doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí”. Đây là câu chuyện được bà Vũ Đặng Hải Yến, Công ty luật SMIC chia sẻ với Diễn Đàn Doanh Nghiệp. Là đại diện pháp lý cho rất nhiều doanh nghiệp, bà Yến đề xuất cần thu về một cửa tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo bà Yến, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ tại một cơ quan. Các cơ quan sau đó phối hợp với nhau và trả lời doanh nghiệp.

Bằng thực tế kinh doanh, ông Hiệp dẫn chứng từ chính dự án của mình. Một dự án trong đó có tới 42 nhà liền kề và có thêm 4 nhà cao 9 tầng. Nhưng theo quy định thì nhà 9 tầng thì phải lên Sở Xây dựng cấp phép, còn nhà thấp tầng thì quận cấp phép. Nhưng khi doanh nghiệp lên Sở thì Sở “chỉ” xuống Quận, về Quận thì Quận “bảo” phải lên Sở. Doanh nghiệp phải loay hoay suốt 3 tháng trời thì mới có thể hoàn thành được giấy phép cho dự án của mình. Đồng thời, người đại diện Hiệp Hội cũng đề nghị Bộ Xây dựng nên quy định rõ thẩm quyền cấp phép.

Giấy phép sợ “bôi trơn”

Một điểm đáng chú ý trong lần sửa đổi này là việc sửa đổi Khoản 2, Điều 89 Luật Xây dựng theo hướng: Bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng bao gồm các công trình thuộc dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, đã được cơ quan chuyên môn thẩm định thiết kế xây dựng hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư; một số công trình quy mô nhỏ khác. Theo quan điểm của ông Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, việc miễn giấy phép cho các công trình này là chưa hợp lý bởi trên thực tế các sự cố xây dựng lại thường hay xảy ra ở nhà thấp tầng, rẻ tiền chứ không phải ở các công trình quy mô lớn.

“Nói rằng nhà hai tầng, nhà đơn giản không cần kiểm tra hay quan tâm lắm về vấn đề chất lượng là không phải. Bây giờ những nhà này mà được miễn giấy phép thì chỉ lợi cho cai thầu, lợi cho dân chứ không lợi cho doanh nghiệp bởi có doanh nghiệp nào lại loanh quanh xây mấy cái nhà hai tầng, rẻ tiền đấy. Giấy phép xây dựng đối với các công trình đó không phải là vô dụng để chúng ta có thể bỏ đi dễ dàng”, ông Liêm nói. Nói thêm về việc cấp giấy phép xây dựng, ông Liêm cho biết hiện nay chúng ta chỉ có quy định cấp giấy phép mà không có quy định kiểm tra việc thực hiện giấy phép.

“Hoàn toàn không có việc kiểm tra nên việc vi phạm giấy phép rất phổ biến. Đáng nói là chỉ khi nào báo chí, người dân phát hiện thì cơ quan chức năng mới vào cuộc còn bình thường cơ quan chức năng không phát hiện ra. Nhất là khi đã “bôi trơn” cấp dưới thì công trình muốn lên mấy tầng thì lên. Tôi nghe ở thành phố nọ, người ta xướng lên một cái giá và cấp phép cho từng ấy, nhưng nếu anh muốn lên 1 tầng thì xin mời anh thêm 25.000 USD. Như ông Mường Thanh, ông ấy vi phạm pháp luật, nhưng tiền bị phạt còn rẻ hơn tiền đi “bôi trơn”. Tôi cho rằng, pháp luật phải ngăn chặn chuyện như vậy”, ông Liêm nhấn mạnh.

Cùng bình luận về vấn đề giấy phép, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo cho biết, mỗi hồ sơ quảng cáo, tính cả giấy phép của Bộ Xây dựng và Bộ VH-TT-&DL thì lên tới 20 giấy phép. Quảng cáo ngoài trời rất bế tắc do Luật đất đai, xây dựng và quy hoạch quảng cáo. Nếu xét ra thì tất cả các công trình quảng cáo ngoài trời đều vi phạm pháp luật. Nhưng người ta phải làm chui, kể cả bị xử phạt, thậm chí là tháo dỡ nhưng vẫn phải làm. Các TP lớn không có quy hoạch quảng cáo nhưng cứ bắt doanh nghiệp dừng quảng cáo.

Theo CafeF

Ba năm tới, Việt Nam “hụt” hơn 110.000 tỷ đồng vì tự do thương mại

Số thất thu ngân sách theo ước tính qua các năm của Bộ Tài chính cụ thể là: năm 2018 là 30.150 tỷ đồng, năm 2019 là 36.340 tỷ đồng và năm 2020 là 43.965 tỷ đồng. Riêng năm 2018, năm bản lề thực hiện xóa bỏ thuế quan nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, trên 90% các dòng hàng theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) sẽ có thuế nhập khẩu giảm xuống 0%. Mạnh nhất là một số mặt hàng có số thu lớn thuế suất cao như: ô tô giảm từ 30% xuống 0%; linh kiện phụ tùng 5%, 20% xuống 0%; sắt thép 5% xuống 0%; nông sản, thuốc lá, rượu…Bên cạnh đó, với việc ký các Hiệp định thương mại ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định thương mại ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA) trong năm 2018 cũng có tới hơn 400 dòng hàng có thuế suất hiện nay là 5, 7, 10% sẽ về 0% vào năm 2018. Đây lại là hai nước có kim ngạch nhập khẩu lớn nhất vào Việt Nam hiện nay.

Hiện theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu rất lớn từ 3 đối tác chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Riêng đối với kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã được cải thiện, giảm về tỷ trọng nhập khẩu và tỷ lệ nhập siêu. Tuy nhiên thay thế vào số nhập khẩu giảm từ Trung Quốc, Việt Nam lại tăng nhập khẩu từ Hàn Quốc và các nước ASEAN, tỷ lệ nhập siêu từ các thị trường này cũng gia tăng. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Hàn Quốc là máy móc, linh kiện điện tử, ô tô; hàng nhập từ các nước ASEAN là thiết bị máy móc, vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng, ô tô và linh kiện ô tô, điện tử…

Theo Bộ Tài chính, hiện Việt Nam đã ký kết 10 hiệp định thương mại quốc tế việc thực hiện các cam kết hội nhập về thuế quan nhằm thu hút và góp phần gia tăng đầu tư nước ngoài, giảm chi phí nhưng có thể giúp tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ các khoản thuế nội địa như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế đất, thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân.. Trước mắt, việc thực hiện các cam kết FTA cũng khiến số thu ngân sách từ thuế nhập khẩu sụt giảm, ảnh hưởng đến công tác thu NSNN nói chung. Điều này đặt áp lực lớn đối với cơ cấu chi ngân sách, đặc biệt có thể phát sinh những khoản thu thuế mới, tăng gánh nặng đối với khu vực trong nước nếu không được kiểm soát.

10 Hiệp định thương mại Việt Nam hiện tham gia gồm: ASEAN, ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Hàn Quốc, ASEAN – Úc – New Zealand, ASEAN – Ấn Độ, ASEAN – Nhật Bản, Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Chi lê, Việt Nam – Hàn Quốc, và Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á-Âu).

Thời gian tới, Việt Nam có thể tham gia sâu một số FTA thế hệ mới, có tính chất liên khu vực như: RCEP – Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực và “phiên bản mới” của TPP là Hiệp định Đối tác toàn diện, tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP với 11 nước thành viên TPP cũ, ngoại trừ Mỹ.

Theo Dantri