Từ 1/7/2018, lương cơ sở sẽ tăng thêm 90.000 đồng/tháng

Sáng nay 13/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Với tổng thu ngân sách Nhà nước 2018 sẽ đạt 1.319.200 tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1.523.200 tỷ đồng. Bội chi ngân sách là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách Trung ương là 195.000 tỷ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỉ đồng. Tổng mức vay của ngân sách Nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nọ gốc của ngân sách là 363.284 tỷ đồng.

Nghị quyết cũng nêu rõ việc thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Ngân sách trung ương bảo đảm kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của mình thực hiện các chính sách, chế độ an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định. Với nghị quyết của Chính phủ giao Chính phủ thực hiện một số biện pháp điều hành nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2018. Mục tiêu lớn nhất đặt ra vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí, tái cơ cấu lại nguồn thu, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đóng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách Nhà nước.. Trong giai đoạn 2018 – 2020, tiếp tục thực hiện điều tiết 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương; giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2017.

Thu vào ngân sách nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt – Nga “Vietsovpetro” và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2018; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật. Tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, trong đó: Ưu tiên để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế công lập, chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo CafeF

Phát biểu tại APEC, Tổng thống Trump đưa ra quan điểm cứng rắn về thương mại

Chiều 10/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã dự và có bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp (CEO Summit) 2017 được tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Trump tham dự Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC và cũng là lần đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Tổng thống Mỹ. Mở đầu bài phát biểu, ông Trump cho biết mình rất vinh dự khi có mặt ở Việt Nam, nơi nằm ở trung tâm của khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, để phát biểu trước các lãnh đạo và lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực. “Tuần này vốn đã là 1 tuần lễ rất đáng nhớ đối với Mỹ ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Bắt đầu từ Hawaii, sau đó Melania và tôi tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và giờ là tới Việt Nam, tôi có mặt ở đây – Việt Nam”, ông nói.

Có mặt tại Đà Nẵng vài ngày sau khi cơn bão số 12 đổ bộ, Tổng thống Trump bày tỏ sự cảm thông với những thiệt hại mà người dân Việt Nam phải hứng chịu từ cơn bão tồi tệ Damrey. “Người Mỹ cầu nguyện cho các bạn và mong các bạn sẽ nhanh chóng hồi phục trong vài tháng tới”.

Tầm nhìn về một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở

Ngay đầu bài phát biểu, Tổng thống Trump nhấn mạnh tầm nhìn của ông về một Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ông đánh giá cao vai trò của APEC: “Nước Mỹ tự hào khi là 1 thành viên của tổ chức gồm các nền kinh tế nằm ở hai bên bờ Thái Bình Dương”, ông nói trước khi miêu tả về những mối quan hệ thương mại giữa Mỹ và khu vực này, từ những năm 1780 khi Mỹ cử tàu tới giao thương với Trung Quốc đến các mối quan hệ hợp tác kinh tế với Thái Lan và những quốc gia khác.

“Chúng ta là bạn bè, đối tác và đồng minh của nhau trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương từ rất lâu rồi”, ông nói. “Những gì diễn ra ở khu vực này trong mấy thập kỷ trở lại đây cho thấy câu chuyện chúng ta có thể làm được những gì khi người dân có thể tự chủ về tương lai của mình”. Trước đó, ông Trump dành nhiều mỹ từ để ca ngợi các quốc gia châu Á. Người dân Indonesia đã thoát khỏi nghèo đói, Philippines được WEF coi là nước đứng đầu trong các nước châu Á về thu hẹp khoảng cách về giới, Thái Lan trở thành nước có thu nhập trung bình cao chỉ trong thời gian ngắn với thủ đô Bangkok phát triển, Malaysia và Singapore cũng phát triển nhanh, trong khi Hàn Quốc có thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều nước ở EU.

Nhận xét về Việt Nam, ông nhắc đến cuộc chiến tranh trong quá khứ, nơi Đà Nẵng chính là 1 trong những chiến trường khốc liệt. “Ngày nay, chúng ta không còn là kẻ thù mà là những người bạn”, ông nói. Sau đó ông dành nhiều mỹ từ để nói về quá trình phát triển kinh tế Việt Nam và những thành tựu mà đất nước chủ nhà APEC 2017 đã gặt hái được như một nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Tổng thống Mỹ cũng khẳng định sinh viên Việt Nam là một trong những người giỏi nhất thế giới.

“Còn về Trung Quốc, nhiều người biết rằng Trung Quốc đã phát triển thần kỳ sau thời kỳ cải cách kinh tế. Tôi vừa rời Trung Quốc sáng nay, sau khi có những buổi làm việc rất hiệu quả với Chủ tịch Tập Cận Bình”, ông nói.

Chúng ta không thể tiếp tục nhượng bộ hành động lạm dụng thương mại

Tiếp tục chủ đề Trung Quốc, Tổng thống Trump chuyển hướng đưa ra quan điểm khá cứng rắn về thương mại. “Tôi luôn đặt lợi ích của nước Mỹ lên trước tiên, cũng như tôn trọng việc tất cả mọi người có mặt trong căn phòng này đều đặt đất nước của mình lên trước tiên”.

“Trong rất nhiều năm qua nước Mỹ đã mở cửa nền kinh tế mạnh mẽ nhưng chỉ với một vài điều kiện. Tuy nhiên trong khi chúng tôi hạ bớt các rào cản thị trường thì các nước khác lại không mở cửa thị trường cho chúng tôi”.

“Tôi không đổ tội cho Trung Quốc hay bất kỳ nước nào đã lợi dụng Mỹ về vấn đề thương mại. Họ chỉ làm công việc của họ, nhưng chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng nữa”.

Trên cơ sở này, ông Trump đề nghị các doanh nhân tham dự APEC CEO Summit hãy đặt đất nước của họ lên hàng đầu. Ông sẵn sàng hợp tác với bất cứ nước nào ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ thương mại công bằng, tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích chung. Mỹ sẽ không tham gia vào các hiệp định đa phương như TPP nhưng sẽ tìm kiếm các hiệp định song phương, và chỉ với nước nào tôn trọng luật lệ.

“Chúng tôi sẽ tôn trọng sự độc lập và chủ quyền các nước. Đó là cách chúng ta sẽ cùng nhau lớn mạnh”, ông Trump nói.

Kêu gọi các quốc gia APEC cứng rắn với Triều Tiên

Mặc dù bài phát biểu của Tổng thống Trump chủ yếu bàn về chính sách thương mại nhưng ông đã khéo léo chuyển sang cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên xoay quanh chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng – một trong những trọng tâm của ông Trump trong chuyến công du tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Vị tổng thống kêu gọi cộng đồng quốc tế nhận thức rằng “mỗi bước đi mà Triều Tiên sẽ thực hiện để phát triển vũ khí hạt nhân sẽ là một tiến tới mối nguy hiểm lớn hơn”, đe dọa an ninh, hòa bình và ổn định trong khu vực.

Theo CafeF

Thương hiệu ‘Vietnam’ được định giá 203 tỷ USD

Hãng tư vấn định giá thương hiệu Brand Finance vừa công bố danh sách 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2017. Theo đó, hai chữ “Vietnam” được đơn vị này xếp trong nhóm thương hiệu mạnh (A+) và định giá khoảng 203 tỷ USD. Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng được cải thiện đáng kể, từ hạng 50 lên hạng 45 nhờ giá trị thương hiệu tăng 43% so với năm ngoái và nằm trong nhóm 10 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất. Tính riêng trong khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu Việt Nam xếp thứ 6 và kém bốn lần so với quốc gia dẫn đầu là Indonesia.

Ông Lại Tiến Mạnh, đại diện quốc gia của Brand Finance tại Việt Nam cho rằng, chỉ số tăng trưởng ấn tượng một phần đến từ những nỗ lực của chính phủ trong việc xây chương trình thương hiệu quốc gia, cộng với tình hình xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài diễn biến tích cực trong thời gian gần đây.

Trên thế giới, thứ tự xếp hạng 5 thương hiệu quốc gia dẫn đầu không có sự xáo trộn. Với giá trị 21.105 tỷ USD, Mỹ vẫn là thương hiệu quốc gia giá trị nhất nhưng sự tăng trưởng chậm chạp và hình ảnh ngày càng suy yếu do các quyết sách từ chính quyền Tổng thống Donald Trump khiến ngôi vương bị đe dọa nghiêm trọng. Ở vị trí thứ hai, giá trị thương hiệu của Trung Quốc đã vượt mức 10.000 tỷ USD. Hiện, các doanh nghiệp nước này đang dẫn đầu bốn lĩnh vực gồm ngân hàng, rượu, bảo hiểm và bất động sản. Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về Đức (4.021 tỷ USD), Nhật Bản (3.439 tỷ USD), Anh (3.129 tỷ USD).

Brand Finance là nhà tư vấn chiến lược và đánh giá hiện có văn phòng ở 20 quốc gia. Hãng này tính toán giá trị thương hiệu trong bảng xếp hạng theo phương pháp giảm thuế. Phương pháp này bao gồm xây dựng chỉ số sức mạnh thương hiệu, dự toán doanh thu có khả năng xảy ra trong tương lai được quy cho một thương hiệu và xem xét mức thuế suất sẽ bị tính cho việc sử dụng thương hiệu đó.

Theo Vnexpress

Việt Nam tăng 14 bậc về môi trường kinh doanh

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Khảo sát Môi trường Kinh doanh toàn cầu – Doing Business 2018. Trong 190 quốc gia được đánh giá, Việt Nam đứng vị trí thứ 68, tăng so với hạng 82 năm ngoái. Trong khảo sát năm nay, WB đánh giá các nền kinh tế dựa trên 10 tiêu chí, gồm Thành lập doanh nghiệp, Xin giấy phép xây dựng, Nộp thuế, Tiếp cận điện năng, Bảo vệ lợi ích nhà đầu tư thiểu số, Giao thương quốc tế, Thực thi hợp đồng, Đăng ký tài sản, Vay vốn và Xử lý khi mất khả năng thanh toán.

Với Việt Nam, những lĩnh vực được đánh giá có cải tổ, giúp việc kinh doanh dễ dàng hơn là Tiếp cận điện năng, Vay vốn, Nộp thuế, Giao thương quốc tế và Thực thi hợp đồng. 10 lĩnh vực của Việt Nam có thứ hạng trong khoảng 20-129. Được đánh giá cao nhất vẫn là Xin giấy phép Xây dựng (xếp thứ 20), và thấp nhất là Xử lý khi mất khả năng thanh toán (129). Với đối tượng tiêu chuẩn là một công ty TNHH tại TP HCM, WB chỉ ra tổng số thủ tục hành chính công ty này phải thực hiện (để thành lập và vận hành) là 10. Với tiêu chí được đánh giá cao nhất – Xin giấy phép xây dựng, số thủ tục cần hoàn thành cũng tương tự. Năm nay, Việt Nam có 5 cải cách. Nếu tính trong vòng 15 năm qua, Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia thực hiện nhiều cải cách nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, với 39 mỗi nước.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm ở khoảng giữa. Xếp trên là Singapore (2), Malaysia (24) và Thái Lan (26). Đứng vị trí số một năm nay vẫn là New Zealand. Theo sau là Đan Mạch, Hong Kong (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Các nền kinh tế mới nổi, như Trung Quốc hay Ấn Độ đều thăng hạng.

Báo cáo của WB đánh giá các nền kinh tế trên thế giới đều đang thực hiện các cải tổ để giúp việc kinh doanh đơn giản hơn. Tuy nhiên, châu Âu và Trung Á sẽ tiếp tục là khu vực có tỷ lệ các nước cải tổ nhiều nhất. Theo thống kê của WB, 190 nền kinh tế đã thực hiện 264 cải tổ trong một năm qua, chủ yếu tập trung giảm tính phức tạp và chi phí hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp và vay vốn.

Theo Vnexpress

Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2017

Cấm bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet

Nghị định 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017 (thay thế Nghị định số 94/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ).

Theo Nghị định này, các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu gồm có: Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động; Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này; Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu. Việc cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu; trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… cũng là những hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh rượu.

Bãi bỏ điều kiện về diện tích trong cấp phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá

Nghị định 106/2017/BĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá quy định mới về điều kiện cấp giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017.

Theo đó, Nghị định 106/2017/NĐ-CP đã bải bỏ điều kiện diện tích điểm kinh doanh thuốc lá phải từ 3m2 trở lên trong điều kiện cấp giấy phép. Đồng thời bãi bỏ điều kiện: Phải có phương tiện vận tải thuộc sở hữu hoặc đồng sở hữu theo hợp đồng liên doanh, liên kết góp vốn; hoặc có hợp đồng thuê phương tiện vận tải phù hợp với quy mô kinh doanh của doanh nghiệp (tối thiểu phải có 2 xe có tải trọng từ 500 kg trở lên). Để được cấp Giấy phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện sau: Được thành lập theo quy định pháp luật; Có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định.

Bên cạnh đó, doanh cũng phải có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh…Theo quy định mới này, doanh nghiệp không cần hợp đồng mua bán của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá như hiện nay.

Phạt tới 8 triệu đồng khi đổ rác thải vào vào trình thủy lợi

Đây là một trong những quy định tại Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2017.

Theo đó, đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi, bị xử phạt như sau:

-Phạt cảnh cáo đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng dưới 0,5 m3;

-Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 0,5 m3 đến dưới 1 m3;

-Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 01 m3 đến dưới 03 m3;

-Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 03 m3 đến dưới 05 m3;

-Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với hành vi đổ rác thải, chất thải vào công trình thủy lợi với khối lượng từ 05 m3 trở lên.

Điều kiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai

Theo Thông tư 13/2017/TT-NHNN, từ 15/11, Ngân hàng Nhà nước sẽ công khai danh sách các ngân hàng thương mại đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.

Các ngân hàng này phải đáp ứng điều kiện gồm trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng; Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.

Điều kiện về tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp

Thông tư 241/2017/TT-BQP có hiệu lực từ 15/11 quy định các điều kiện tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp Quốc phòng gồm:

– Quân đội nhân dân có nhu cầu biên chế.

– Đang đảm nhiệm chức danh thuộc diện bố trí là quân nhân chuyên nghiệp hoặc vị trí việc làm là công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp là viên chức quốc phòng.

– Có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ phù hợp với chức danh của quân nhân chuyên nghiệp hoặc vị trí việc làm của công nhân quốc phòng hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức quốc phòng.

Ngoài ra, quân nhân chuyên nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn về sức khỏe, phẩm chất chính trị, tính kỷ luật…

Tăng trợ cấp cho quân nhân xuất ngũ

Từ ngày 20/11, Thông tư 242/2017/TT-BQP quy định mức trợ cấp hàng tháng cho quân nhân xuất ngũ, người làm công tác cơ yếu bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, lương của các đối tượng được hưởng trợ cấp quy định trong thông tư sẽ tăng 7,44% so với mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6/2017. Cụ thể:

– Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 1.650.000 đồng/tháng;

– Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 1.725.000 đồng/tháng;

– Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 1.800.000 đồng/tháng;

– Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 1.875.000 đồng/tháng;

– Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 1.950.000 đồng/tháng.

Các loại hình cơ sở trợ giúp xã hội được Nhà nước khuyến khích thành lập

Ngày 12/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 103/2017/NĐ-CP về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý cơ sở trợ giúp xã hội. Theo đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thành lập cơ sở trợ giúp xã hội để chăm sóc, trợ giúp các đối tượng có nhu cầu với các loại hình sau:
Cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH) chăm sóc người cao tuổi; Cơ sở bảo trợ xã hội (CSBTXH) chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; CSBTXH chăm sóc người khuyết tật; CSBTXH chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; CSBTXH tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội. Trung tâm công tác xã hội thực hiện tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội; Cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định.

Cho phép đào tạo thạc sĩ ngành hóa dược

Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 25/2017/TT-BGDĐT về Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 10/10/2017.

Theo đó, ngành Hóa dược được bổ sung vào danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ thạc sĩ, thuộc nhóm ngành Dược học trong khối ngành Sức khỏe. Ngoài ra, Thông tư 25 còn bổ sung nhóm ngành Kỹ thuật y học vào khối ngành Sức khỏe trong danh mục đào tạo, giáo dục cấp IV ở cả trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, gồm các ngành sau: Kỹ thuật xét nghiệm y học; Kỹ thuật hình ảnh y học; Kỹ thuật phục hồi chức năng.

Căn cứ các ngành được phép đào tạo, các cơ sở giáo dục đại học chủ động phát triển các chuyên ngành đào tạo để đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thông tư 25/2017/TT-BGDĐT bắt đầu có hiệu lực từ ngày 25/11/2017.

Theo CafeF

Hạ lãi suất, ổn tỷ giá: Hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng

Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận Việt Nam đã có những bước đi vững vàng, đã nỗ lực thay đổi chính sách, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh và có những vùng kinh tế phát triển vững bền, trong đó phải kể đến những đóng góp của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, cải thiện dần môi trường đầu tư, tăng niềm tin của nhà đầu tư với các chính sách tại Việt Nam. Trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD).

Giảm lãi suất – nắn dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên

Với quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017, Chính phủ yêu cầu NHNN có giải pháp giảm lãi suất cho vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Theo đó, từ ngày 10/7/2017, để hỗ trợ giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, trên cơ sở đánh giá thận trọng diễn biến lạm phát có chiều hướng tăng chậm và khả năng kiểm soát theo mục tiêu 4% của Quốc hội, đồng thời hoạt động ngân hàng có diễn biến tích cực, NHNN đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên, điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành của NHNN, có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Đánh giá cao động thái này của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ nhận định: “Quyết định này của NHNN thể hiện trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ”.

Trên thực tế, thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã tích cực triển khai giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD), cụ thể giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên. Bên cạnh đó, các TCTD cũng tích cực thực hiện giảm lãi suất cho các lĩnh vực SXKD với lãi suất thấp hơn khoảng 0,5-1%/năm, giảm lãi suất một số chương trình cho vay trung dài hạn đối với lĩnh vực ưu tiên xuống còn khoảng 8%/năm (từ mức phổ biến 9-10,5%/năm trước đó), triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội, áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng tốt khoảng 4-5%/năm. Đồng thời, các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Đánh giá về điều hành chính sách tiền tệ những tháng qua, TS. Vũ Đình Ánh khẳng định chính sách đã chủ động cung ứng nguồn vốn tương đối lớn cho nền kinh tế đáp ứng kịp thời vốn lưu động cũng như đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động sản xuất kinh doanh với chi phí hợp lý, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Linh hoạt điều hành tỷ giá

Diễn biến tỷ giá những tháng qua được cho là khá bất ngờ đối với thị trường khi nhìn lại 3/4 chặng đường đã qua. Hồi đầu năm, tỷ giá được cơ quan điều hành, hoạch định chính sách cũng như nhiều phân tích của các chuyên gia, tổ chức trong nước cũng như quốc tế đánh giá là chịu khá nhiều áp lực. Tỷ giá có thể tăng 2-3% từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm 2016, nhất là đồng USD – đồng tiền chủ chốt trong rổ tính tỷ giá của Việt Nam mạnh lên. Cùng với đó là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm trước, nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực giảm giá mạnh, lạm phát có khả năng tăng khi giá hàng hóa thế giới phục hồi…Nhưng đến thời điểm này, theo tính toán TS. Cấn Văn Lực, tỷ giá chỉ tăng khoảng 1%, tổng mức tăng cả năm chỉ đến 1,5% cho thấy tỷ giá của Việt Nam khá ổn định.

Đáng chú ý, ngày 10/10, lần đầu tiên NHNN giảm giá mua vào USD kể từ khi áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới (từ 4/1/2016), đồng thời đánh dấu sự khác biệt lớn của diễn biến tỷ giá năm nay so với những năm trước. Động thái này được nối dài trong 3 ngày sau đó, và là lần đầu tiên thị trường chứng kiến NHNN liên tiếp hạ giá mua vào USD, cũng như sử dụng một công cụ mới để linh hoạt điều hành chính sách tỷ giá. Là người mua bán sau cùng trên thị trường, can thiệp hoặc điều tiết qua giao dịch trực tiếp của mình khi cần, việc NHNN liên tiếp hạ giá mua vào USD như trên là tín hiệu mới, cho thấy sự linh hoạt hơn của nhà điều hành trong ứng xử với tỷ giá. Tại các NHTM, tỷ giá đã có chuỗi ngày đi xuống, trái ngược với diễn biến các năm trước – tỷ giá thường nóng lên vào những tháng cuối năm.

Điểm nhấn trong điều chỉnh chính sách tỷ giá những ngày qua còn là NHNN sử dụng công cụ giao dịch kỳ hạn, khẳng định tính linh hoạt trong chính sách điều hành của NHNN. Với việc cho phép sử dụng sản phẩm mua kỳ hạn giúp các NHTM có thêm lựa chọn bán ngoại tệ cho NHNN trong tương lai với mức giá hiện tại, mà không lo giá sẽ giảm trong tương lai. Động thái này, theo đánh giá của một chuyên gia, sẽ mang lợi kép cho các NHTM, giúp các ngân hàng vừa chủ động cân đối nguồn ngoại tệ vừa có thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đang bước vào những tháng cao điểm.

Quan sát thị trường những ngày qua, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia PGS – TS. Nguyễn Thị Mùi đánh giá tích cực những điều chỉnh trong điều hành chính sách tỷ giá của NHNN phù hợp với thực trạng diễn biến cung – cầu ngoại tệ trên thị trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động hơn. Khi thấy xu hướng đồng USD giảm giá vẫn tiếp diễn, NHNN chủ động mua vào một lượng lớn để tăng dự trữ quốc gia (quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia hiện đã lập kỷ mục mới với 45 tỷ USD). Song song với hoạt động này, NHNN đã tăng khối lượng tín phiếu NHNN với kỳ hạn dài hơn để hút bớt tiền đồng đã đưa ra mua ngoại tệ, không tạo áp lực cung tiền.

“Thực tế, đây không phải lần đầu NHNN xử lý tình huống thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền. Cái khó ở đây, thời điểm cuối năm cung tiền thường tăng cao, nếu xử lý không khéo lại tạo áp lực lên lạm phát. Do đó đòi hỏi NHNN vừa khéo chọn công cụ vừa phải theo dõi sát diễn biến lạm phát để thực hiện tiền bơm – hút nhịp nhàng. Điển hình như việc nới kỳ hạn tín phiếu từ 7 ngày lên 14 ngày với khối lượng khá linh hoạt theo lượng ngoại tệ mà NHNN mua vào để đảm bảo tăng dự trữ ngoại hối không gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá”, TS. Võ Trí Thành đánh giá.

Thủ tục vay ngân hàng nhanh gọn hơn

Trên cơ sở khả năng kiểm soát lạm phát, diễn biến thực tế của kinh tế vĩ mô và hoạt động ngân hàng, NHNN xem xét điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên mức khoảng 21%, hướng tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thống đốc NHNN cũng nhấn mạnh rằng, khác với các năm trước, tín dụng tăng trưởng tốt ngay từ đầu năm, phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, không còn tình trạng tín dụng tăng thấp vào đầu năm và dồn vào cuối năm như những năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2017, tín dụng đã tăng 12,16% so với cuối năm 2016, là mức tăng trưởng khá cao so với một số năm gần đây. Trong đó, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng khoảng 17,6%, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp tăng 17,75%, xây dựng tăng 19%, tín dụng lĩnh vực thương mại và dịch vụ tăng 18,1% so với cuối năm 2016. Dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đến cuối tháng 8 chiếm 21% dư nợ nền kinh tế, tăng 7,5% so với 31/12/2016. Tăng trưởng tín dụng đã hỗ trợ tích cực về nguồn vốn cho GDP 9 tháng đầu năm tăng 6,41%, cao hơn nhiều so mức tăng 5,99% của 9 tháng đầu năm 2016.

Vốn tín dụng đã đến với doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của Chính phủ. Tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng – doanh nghiệp” diễn ra ngày 19/10 vừa qua, các chuyên gia đều đánh giá cao chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, là chương trình hành động cụ thể, chưa từng có tiền lệ đối với một cơ quan quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng . Ông Nguyễn Phước Hưng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký HHDN TP HCM cho rằng, thành công lớn nhất của chương trình là “từ chỗ doanh nghiệp đi tìm ngân hàng, sau đó ngân hàng đi tìm doanh nghiệp, giờ cả hai đã tìm đến nhau, cùng bắt tay hợp tác, không chỉ giải quyết vấn đề nguồn vốn mà niềm tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày càng được củng cố”. Chương trình còn cho thấy tính chủ động, sáng tạo và sự tích cực thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp từ phía NHNN, các NHTM.

Nói về mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú nhận định là mối quan hệ cộng sinh, bình đẳng, hai bên cùng có lợi. Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc cũng khẳng định, về phía NHNN sẽ luôn điều hành tiền tệ công khai, minh bạch, phát đi thông điệp chủ động cho thị trường, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải quyết các thủ tục vay, xây dựng quy trình vay là một trong những vấn đề cải tiến hàng đầu của các ngân hàng hiện nay nhằm đẩy nhanh nguồn vốn ra nền kinh tế và tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Trong quý 3/2017, NHNN đã ban hành Quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện và không thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của NHNN. Theo quyết định công bố, trừ 8 thủ tục hành chính thực hiện qua mạng internet hoặc phải nộp trực tiếp, toàn bộ 326 thủ tục hành chính còn lại đều có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính hoặc trực tiếp tùy thuộc nhu cầu của tổ chức, công dân. NHNN cũng đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước” tại NHNN, phấn đấu giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ, bãi bỏ các báo cáo không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lắp, không cần thiết.

Theo công bố kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Bộ Nội vụ trong 4 năm (2013 – 2016), trong số 19 bộ ngành, NHNN luôn là đơn vị đứng vị trí hàng đầu. Tại buổi kiểm tra công tác cải cách hành chính ngân hàng ngày 20/10 vừa qua do NHNN tổ chức tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, hồ sơ – thủ tục vay hiện nay đã nhanh gọn hơn rất nhiều so với trước đây. Sau 2 buổi làm việc với các doanh nghiệp và đột xuất kiểm tra một số ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận xét ngân hàng hiệu quả là lãi suất thấp mà thời gian làm thủ tục vay cũng phải rút ngắn nhất.

Đồng hành cùng bà con nông dân, hỗ trợ khắc phục thiên tai

Không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, các chương trình tín dụng trọng điểm khác cũng được ngành Ngân hàng triển khai tích cực, tháo gỡ dần những vướng mắc cho bà con ngư dân, nông dân vay vốn, như cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, cho vay nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến ngày 31/8/2017, các NHTM đã cho vay để đóng mới, nâng cấp 1.043 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 10.353 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 9.327 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.153 tỷ đồng. Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình cho vay hỗ trợ phát triển thủy sản theo Nghị định 67, NHNN đã trình TTCP xem xét chấp thuận phương án tháo gỡ khó khăn cho chủ tàu và ngân hàng cho vay.

Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ cũng đạt những kết quả bước đầu, với dư nợ cho vay của các NHTM đạt khoảng 32.000 tỷ đồng. Để việc cho vay có hiệu quả, NHNN đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành cùng phối hợp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để đẩy mạnh triển khai chương trình.

Ngoài ra, vốn ngân hàng còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội, tạo xung lực cho giảm nghèo bền vững, với gần 32 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn, doanh số đến nay là 433.000 tỷ đồng, giúp 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo và trên 112.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn để xuất khẩu lao động. Trên 3,5 triệu học sinh, sinh viên vay vốn học tập và nhiều chương trình quan trọng khác về xóa đói giảm nghèo như 9,9 triệu công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn…

Những năm qua, mỗi khi đồng bào trên khắp các vùng miền bị thiệt hại nặng nề do thiên tai, ngành Ngân hàng cũng luôn chủ động có những hỗ trợ thiết thực, giúp bà con khắc phục hậu quả. Vừa qua, để hỗ trợ người dân khắc phục hâu quả do bão lũ tháng 10/2017 gây ra, thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất, kinh doanh Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã ban hành văn bản số 8377/NHNN-TD yêu cầu Chủ tịch HĐQT/ HĐTV, Tổng Giám đốc các tổ chức tín dụng (TCTD) và Giám đốc NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ…

Có thể nói, những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong vấn đề giảm lãi suất, đưa vốn ra nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân trong tiếp cận vốn cùng sự linh hoạt, chủ động điều hành tỷ giá đã góp phần không nhỏ vào kết quả tăng trưởng GDP quý III/2017 (tăng 7,46%), phấn đấu cho mục tiêu GDP cả năm 6,7%; đóng góp vào sự kinh tế vĩ mô ổn định; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện vượt bậc. Tất cả điều này sẽ tạo niềm tin tốt cho các thành viên tham gia thị trường, từ người dân, ngân hàng đến nhà đầu tư. Sự đồng lòng bao giờ cũng giúp nhà điều hành chính sách vượt khó dễ dàng hơn.

Thời gian tới, trong điều hành lãi suất, tín dụng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN tiếp tục điều hành các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ tiền tệ nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản; thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực SXKD. NHNN sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn và triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực (cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ ngư dân đóng tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP;…)

Theo CafeF

Phó Thống đốc NHNN: Với dự trữ ngoại hối 45 tỷ USD, tỷ giá sẽ ở mức ổn định

Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết dự trữ ngoại hối ở mức cao kỷ lục sẽ giúp cơ quan này tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định từ nay đến cuối năm, trong bối cảnh Chính phủ tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trao đổi với phóng viên Bloomberg bên lề một hội nghị ở Hội An hôm thứ 7 (21/10) vừa qua, bà Nguyễn Thị Hồng, phó Thống đốc NHNN, cho biết với dự trữ ngoại hối 45 tỷ USD, “chúng tôi tin rằng có thể giữ tỷ giá sẽ ở mức ổn định”. “Lượng dự trữ ngoại hối cao sẽ cho phép NHNN can thiệp để ổn định thị trường tiền tệ khi cần thiết”, bà nói.

Sau nhiều đợt tăng tỷ giá VND/USD trong năm 2015, năm ngoái NHNN đã chuyển sang sử dụng cơ chế thiết lập tỷ giá dựa trên cơ sở các yếu tố thị trường và điều chỉnh tỷ giá tham chiếu hàng ngày. Kể từ đầu năm 2017 đến nay, VND là một trong số những đồng tiền ổn định nhất ở châu Á.

Trong khi đó ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cũng nhận định dự trữ ngoại hối tăng lên một phần được hỗ trợ từ lượng kiều hối mà hiện đang dự báo sẽ tăng 10% vào TP HCM cuối năm nay. Theo bà Hồng, NHNN sẽ hỗ trợ các ngân hàng có đủ thanh khoản “để họ có thể cho vay ở mức lãi suất thấp hơn”. “Bằng cách giúp các ngân hàng tăng thanh khoản, chúng tôi sẽ có thể đạt được việc giảm lãi suất cho vay mà không cần phải hạ lãi suất điều hành”.

Việt Nam là một trong số ít các nước ở châu Á nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm 2017, đặc biệt là tháng 7 vừa qua NHNN đã bất ngờ giảm lãi suất điều hành lần đầu tiên trong 3 năm. Việt Nam đang cố gắng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Nếu thành công, 2017 sẽ là năm kinh tế tăng trưởng cao nhất kể từ 2007. Trong 9 tháng đầu năm, GDP của Việt Nam tăng trưởng 6,41%.

Theo CafeF

Lương tối thiểu: Khuyến nghị tăng thêm 1.350.000 đồng giai đoạn năm 2013-2018

Khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động VN (Tổng LĐLĐ VN) công bố hôm 17/10 cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động (không kể ăn ca) đạt gần 5.500.000 đồng/tháng. Ngoài tiền lương cơ bản, người lao động còn nhận được tiền làm thêm giờ, và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp như tiền chuyên cần, tiền nhà ở…

Theo ông Trần Văn Lý – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) đạt khoảng 1,3 – 1,5 triệu đồng. Số tiền này chiếm từ 20% đến 30% thu nhập của người lao động. Trong đó, lao động trực tiếp sản xuất nhận được số tiền làm thêm giờ tương đối cao. Những tháng không làm thêm giờ và hỗ trợ từ phía doanh nghiệp, thu nhập của người lao động sẽ giảm sút, đời sống gặp khó khăn.

Thống kê của hệ thống công đoàn cho thấy, tình trạng tranh chấp lao động, đình công 6 tháng đầu năm 2017 có nguyên nhân liên quan đến tiền lương, thu nhập và điều chỉnh lương tối thiểu chiếm tỷ lệ khá cao. Cụ thể có tới 72 cuộc/133 cuộc tranh chấp lao động và đình công (chiếm 54,1%). Trong đó, một số ngành có tiền lương, thu nhập thấp xảy ra nhiều đình công như dệt may 69 cuộc (chiếm gần 51,8%), giày da có 30 cuộc (chiếm gần 22,5%). Tổng LĐLĐ VN nhận định, các mức lương tối thiểu do Chính phủ điều chỉnh trong những năm qua đã góp phần cải thiện tiền lương thực tế của người lao động, nhưng tiền lương tối thiểu còn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Trên cơ sở đó, ông Trần Văn Lý đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động. “Đặc biệt, khái niệm mức lương tối thiểu là mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ” – ông Trần Văn Lý cho biết. Cơ quan có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi mức sống tối thiểu là căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương Quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu.

Ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ – CP, nhằm giúp người lao động được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.

Theo Dantri

Thủ tướng kêu gọi nhắn tin ủng hộ đồng bào vùng lũ

Tối 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cầu truyền hình trực tiếp “Chung tay vì người nghèo” năm 2017 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động Thương binh Xã hội tổ chức. Phát biểu trong chương trình, Thủ tướng nói, chúng ta đang ở đây, trong khi hàng nghìn đồng bào đang chịu cảnh lũ lụt tàn phá. Nhiều gia đình tang thương, mất người, mất nhà do bị đất đá vùi lấp hoặc nước lũ cuốn trôi. Rất nhiều hộ đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn, nhiều hộ thoát nghèo nay có thể tái nghèo.

Ông chia sẻ, đó là đồng bào ta, một bộ phận của dân tộc Việt Nam, mọi người cần tiếp tục động viên, giúp đỡ người nghèo một cách có trách nhiệm và tình thương. Kêu gọi tinh thần “cả nước chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau”, người đứng đầu Chính phủ nói: “Xin mọi người cùng với tôi cầm điện thoại lên. Chúng ta hướng về phía đồng bào, hướng về miền quê đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, lũ lụt. Soạn VNN và gửi vào số 1408, mỗi tin nhắn của chúng ta sẽ ủng hộ người nghèo 20.000 đồng”.

Chương trình cầu truyền hình trực tiếp nêu trên là sự kiện mở đầu cho tháng cao điểm “Vì người nghèo” từ 17/10 đến 18/11. Tại chương trình, các nhà hảo tâm đã cam kết ủng hộ hơn 264 tỷ đồng cho người nghèo.

Ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới, từ ngày 9 đến 12/10, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to, gây ngập lụt, sạt lở đất ở nhiều nơi. Theo Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai, đến 21h00 ngày 15/10, có 72 người chết, 30 người mất tích và 33 người bị thương. Mưa lũ làm trên 200 nhà bị sập, gần 50.000 nhà ngập và 2.300 gia đình phải di dời khẩn cấp; trên 9.300 gia súc và khoảng 300.000 gia cầm bị chết, bị cuốn trôi.

Theo VnExpress

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam vọt lên 45 tỷ USD

Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ngày 11/10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự trữ ngoại hối hiện đạt 45 tỷ USD, tăng thêm 6 tỷ USD so với cuối năm 2016. Đây là mức dự trữ ngoại hối lớn nhất được công bố từ trước đến nay.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 giữa Chính phủ và các địa phương ngày 3/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm nay, dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục gia tăng, đạt mức xấp xỉ 42 tỷ USD. Như vậy, từ cuối tháng 6 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra một lượng tiền đồng lớn để mua ròng 3 tỷ USD.

Theo thống kê của VnEconomy, quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia được công bố tại một số thời điểm. Tháng 6/2008, Việt Nam tích trữ được 20,7 tỷ USD ngoại tệ. Đến tháng 1/2011, theo số liệu của một số tổ chức nghiên cứu tổng hợp lại, quy mô dự trữ ngoại hối giảm mạnh xuống còn khoảng 12,58 tỷ USD. Đến cuối 2012, con số này gia tăng trở lại, đạt khoảng 22-23 tỷ USD.

Mức nhập siêu bị thu hẹp trong những tháng gần đây, thậm chí Việt Nam đã chuyển sang xuất siêu 328 triệu USD trong 9 tháng đầu năm, dòng vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, kiều hối tăng đều là những điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước mua vào ngoại tệ. Sáng ngày 11/10, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có điều chỉnh giảm giá mua vào USD thêm 5 đồng sau khi bất ngờ giảm 5 đồng ngày hôm trước, sau 3 lần tăng giá mua vào đồng bạc xanh từ đầu năm nay.

Theo CafeF

Việt Nam sẽ tận dụng tối đa cơ hội kinh tế từ APEC

Trong buổi họp báo ngày 9/10, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết tại Tuần lễ Cấp cao APEC cuối năm nay, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ chiếm tới 50% hoạt động trong sự kiện. Các sự kiện thường niên của APEC là Kỳ họp Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) và Đối thoại giữa ABAC với các lãnh đạo APEC. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội xúc tiến đầu tư khi gặp các lãnh đạo và CEO doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực, ông Lộc cho biết Việt Nam sẽ tổ chức thêm 2 sự kiện nữa.

Một là Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS). Đây là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay. Nội dung chủ yếu của VBS là bàn bạc về cơ hội kinh doanh. Ông Lộc cho biết 20 CEO hàng đầu thế giới có thể tham gia phát biểu tại VBS. Hội nghị này sẽ tổ chức kết hợp với một triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư, với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành. Chủ đề của VBS năm nay là Việt Nam – đối tác kinh doanh tin cậy. Hội nghị sẽ thảo luận về 6 chủ đề, gồm Nông nghiệp bền vững và thông minh; Tài chính cho phát triển; Y tế và Giáo dục; Cơ sở hạ tầng; Đặc khu kinh tế; Khởi nghiệp và đổi mới – sáng tạo.

Sự kiện thứ hai là các cuộc đối thoại bên lề về thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và lãnh đạo các nền kinh tế APEC. Mục tiêu là tìm kiếm cơ hội hợp tác và bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp với các nước. Những việc này sẽ giúp nhân đôi giá trị cho hoạt động của các doanh nghiệp tại diễn đàn APEC, cũng như giá trị của Việt Nam khi đăng cai. Theo dự kiến, khoảng 1.200 lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực sẽ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC vào tháng 11 tới.

APEC năm nay diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên thế giới. Dù vậy, Việt Nam lại là “điển hình thành công của toàn cầu hóa”, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh. Việt Nam có quan điểm ủng hộ hội nhập, nền kinh tế có độ mở cao, tăng trưởng tốt và sở hữu rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Tuy vậy, các nền kinh tế APEC sẽ cần bàn bạc để tìm ra cách giúp toàn cầu hóa “mềm mại hơn, nhân văn hơn” để không ai bị bỏ lại phía sau. Bên cạnh đó, APEC vẫn cần phát huy vai trò vườn ươm khởi nghiệp của thế giới, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, đồng thời nâng cao vị thế của phụ nữ trong nền kinh tế. Cũng tại buổi họp báo, ông Hoàng Văn Dũng – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) năm nay đã thông báo kết quả kỳ họp lần 3 của ABAC tại Canada. Theo đó, các đại biểu đã đưa ra khuyến nghị tới lãnh đạo APEC về ưu tiên của doanh nghiệp trong khu vực. Nội dung chính gồm Thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực; Tăng cường kết nối thể chế, hạ tầng và con người; Phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm, hỗ trợ doanh nghiệp vừa – nhỏ – siêu nhỏ và phụ nữ tham gia kinh tế.

Theo Vnexpress

Cảnh báo mã độc Red Alert 2.0 tấn công chiếm tài khoản

Theo các ngân hàng, các chuyên gia về an toàn, an ninh thông tin, hiện tại có hơn 60 ứng dụng ngân hàng trực tuyến và mạng xã hội đang là mục tiêu tấn công của mã độc này. Một số tính năng chính của mã độc gồm: Đánh cắp thông tin xác thực, danh bạ và nhiều thông tin cá nhân nhạy cảm khác; chặn tin nhắn SMS và có các kỹ thuật vượt qua xác thực bằng SMS OTP. Ngoài ra mã độc có thể giả mạo và hiển thị phủ lên trên giao diện ứng dụng hợp pháp đang chạy cũng như chặn các cuộc gọi đến từ ngân hàng nhằm không cho khách hàng nhận được cảnh báo tài khoản bị tấn công.

Cách thức lây nhiễm như sau: mã độc sẽ giả mạo các ứng dụng nổi tiếng, hợp pháp trên các kho cung cấp ứng dụng của Android như Watsapp, Viber, … trên các cửa hàng ứng dụng không chính thống của bên thứ ba hoặc dưới dạng cập nhật Flash Player giả mạo hoặc liên kết, tệp tin đính kèm trong email, tin nhắn SMS. Sau khi nhiễm vào ứng dụng di động, Red Alert 2.0 sẽ đợi người dùng mở ứng dụng Mobile Banking. Nếu phát hiện đây là ứng dụng có mô phỏng, Red Alert 2.0 sẽ giả mạo giao diện và hiển thị phủ lên trên giao diện ứng dụng Mobile Banking đang chạy, báo lỗi và yêu cầu người dùng đăng nhập lại. Sau đó mã độc sẽ ghi lại và gửi thông tin đăng nhập cho tin tặc để thực hiện giao dịch bất hợp pháp.

Theo các ngân hàng, mã độc này có thể vượt qua các công nghệ xác thực 2 yếu tố thông qua tính năng chặn tin nhắn trên thiết bị di động bị nhiễm mã độc. Do vậy các ngân hàng khuyến nghị người dùng chỉ tải ứng dụng từ kho chính thống như Play Store với Android và App Store với iOS. Người dùng không tải và cài đặt ứng dụng thông qua các kho lưu trữ, liên kết không rõ nguồn gốc, kiểm tra bản quyền ứng dụng trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào. Người dùng cũng không tùy tiện trả lời những câu hỏi yêu cầu thông tin người dùng, mật khẩu đăng nhập, thông tin thẻ, đặc biệt lưu ý thông điệp yêu cầu đó hiển thị dưới dưới dạng hình ảnh, hiển thị phủ nền trên nền ứng dụng đang chạy.

Nên cài đặt phần mềm phòng chống mã độc của nhà cung cấp có uy tín để hạn chế nguy cơ bị lây nhiễm đồng thời thường xuyên cập nhật hệ điều hành theo chính sách của hãng trên các thiết bị di động.

Theo Tuoitre